Đắk Lắk: Dừng nghỉ mát để dập dịch bạch hầu

TPO - Bốn tỉnh bùng phát dịch bạch hầu tại Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc, ổ dịch mới (Có khoảng 90 ca bạch hầu); Đắk Lắk dừng nghỉ mát để dập dịch. Ngoài chống dịch, ngành y tế yêu cầu chấn chỉnh lại công tác tiêm chủng mở rộng.
Khám sàng lọc bệnh bạch hầu tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông)

Ngày 15/7, ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, vừa phát hiện thêm 4 ca (huyện Ia Grai- 1 ca, 3 ca tại huyện Đắk Đoa) dương tính với bạch hầu, nâng tổng số người dương tính bạch hầu trên địa bàn tỉnh lên 24 ca.

Tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận thêm 3 ca dương tính với bạch hầu, trong đó một bệnh nhân đang mang thai tháng thứ 9. Theo điều tra dịch tễ, thai phụ tên T.T. V (SN 2001, dân tộc Mông) mang thai 38 tuần, ở thôn Cư Rang, xã Cư Pui (huyện Krông Bông).

Lấy mẫu xét nghiệm một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.

Ngay khi dịch bạch hầu xuất hiện tại Đắk Lắk, ông Nay Phi La-Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk xuống tận nơi chỉ đạo chống dịch, kiểm tra công tác tiêm chủng mở rộng và nhận định: Đa phần dịch bạch hầu xuất hiện ở vùng lõm tiêm chủng. Các bộ y tế cơ sở có cố gắng, nhưng cách vận động người dân đưa con đi tiêm còn cứng nhắc, chưa sát với tình hình thực tế. Trong lúc “chống dịch như chống giặc”, ông ưu tiên dồn toàn bộ nguồn lực cho công tác dập dịch. “Tôi yêu cầu toàn thể nhân viên y tế tạm dừng đi nghỉ mát. Cán bộ chủ chốt hạn chế nghỉ phép vào lúc này, trừ trường hợp thật cần thiết”, ông Nay Phi La nói.

Tại điểm kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại thôn Cư Rang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), vị giám đốc này cũng yêu cầu Trưởng trạm Y tế, chủ tịch UBND xã Cư Pui thành lập ngay một Ban chỉ đạo chống dịch bạch hầu và sốt xuất huyết, trong đó thành phần tham gia phải có trưởng thôn, già làng, các chức sắc tôn giáo; Ngành y tế địa phương cần chấn chỉnh ngay công tác vận động người dân đưa con đi tiêm, không được đổ lỗi cho dân.

Vùng lõm tiêm phòng thường rơi vào vùng sâu vùng xa, điều kiện khó khăn.

Cán bộ cần dựa vào tình hình thực tế để linh động thời gian, điểm tiêm phù hợp, không được máy móc ấn định rập khuôn. Ở những thôn, buôn vùng đồng bào thiểu số, trưởng trạm y tế cần sâu sát, lập danh sách những người có trình độ chuyên môn về y tế gửi lên Sở Y tế xem xét tuyển làm cộng tác viên, nhân viên y tế thôn buôn... Những trường hợp này sẽ là “cánh tay nối dài” cho ngành y tế trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cộng đồng về chăm sóc sức khỏe.

 Hiện Tây Nguyên có 89 ca dương tính với bạch hầu gồm: Đắk Lắk 9 ca; Gia Lai 24 ca (1 ca tử vong); Kon Tum 26 ca; Đắk Nông 30 ca (2 ca tử vong).