Dự hội nghị tiếp xúc cử tri có lãnh đạo, chỉ huy Quân khu 1, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; các đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên; chỉ huy một số cơ quan Bộ Quốc phòng và đông đảo cử tri đại diện một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, trên cơ sở báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Cơ quan Thường trực soạn thảo dự án luật, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức gần 40 buổi họp để nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến.
Cuối tháng 3 vừa qua, tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm, nhiệm kỳ khóa XV đã cho ý kiến về dự án luật; trong đó, đa số các ý kiến thống nhất với các nội dung tại dự thảo luật, nhất trí việc thành lập quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Tại hội nghị, các cử tri nhất trí cao về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; đồng thời làm rõ sự một số vấn đề về cơ chế, chính sách đặc thù đối với lĩnh vực đặc biệt của công nghiệp quốc phòng, an ninh làm cơ sở để cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo luật.
Ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các cử tri, Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: Công nghiệp quốc phòng là lĩnh vực đặc thù. Để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp, trong đó phải có những cơ chế, chính sách vượt trội nhằm tạo cú hích, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực đặc thù này.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 86 điều có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là về nguồn lực tài chính, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đầu tư, khoa học, công nghệ, hệ thống tổ chức, động viên công nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách đối với người lao động là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư... Điều này để thể chế quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng cho biết: Trong dự thảo luật đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, an ninh; theo thống kê, dự thảo luật quy định 37 chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan; bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Đại tướng Phan Văn Giang cũng đã thông tin tình hình thế giới, khu vực, trong nước; một số kết quả nổi bật về công tác quân sự, quốc phòng của toàn quân thời gian qua; nội dung, chương trình diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp và cử tri tỉnh Thái Nguyên tích cực phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ; tuyên truyền, phổ biến, triển khai thi hành luật trong thực tiễn khi dự thảo luật được Quốc hội thông qua.
Chiều cùng ngày, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đã trao 50 suất quà tặng cán bộ, công nhân viên, người lao động là gia đình chính sách, bệnh nghề nghiệp và hoàn cảnh khó khăn của Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng).
Đại tướng Phan Văn Giang gửi lời chúc sức khỏe và mong muốn cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy Z131 tiếp tục phấn đấu vươn lên, hăng say lao động sản xuất, góp phần xây dựng nhà máy hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.