Đại tá đảo chính

TP - Tuần rồi Guinea, quốc gia sản xuất bauxite thứ nhì thế giới, nhích một bước không đáng kể sau vụ đảo chính mà cái đáng kể là nhân vật cầm đầu. Viên đại tá, làm cuộc binh biến đầu tháng 9, làm thinh trước tối hậu thư hôm 16/9 của 15 nhà lãnh đạo vùng Tây Phi. Nhân vật hầu như vô danh đã làm những việc hiếm có.
Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Guinea, đại tá Mamady Doumbouya

Đảo chính ở Guinea thực ra không mới. Độc lập khỏi Pháp từ 1958, đến nay, quốc gia giàu khoáng sản đã có ba cuộc lật đổ. Láng giềng Mali, chỉ từ tháng 8/2020 đến nay, làm hai cuộc. Các đảo chính này giống nhau ở chỗ lật đổ tổng thống dân bầu nhưng cố sửa hiến pháp để tại vị lâu hơn.

Binh biến mới nhất ở Guinea, quốc gia Hồi giáo 13 triệu dân chủ yếu nói tiếng Pháp, gây chú ý có lẽ bởi người chủ mưu. Quốc gia cực nghèo có vai trò cực lớn với kinh tế thế giới. Đảo chính 5/9 làm giá nhôm toàn cầu tăng vọt kể từ 2006. Đất nước rộng 245.000 km2 cũng đầy phức tạp với 24 sắc tộc.

Vậy mà đại tá Mamady Doumbouya, sinh năm 1980, đã làm những việc kỳ lạ. Đảo chính do ông làm thủ lĩnh qua mặt tình báo lẫn đặc nhiệm Mỹ đang huấn luyện lực lượng của ông, kể cả Bộ Quốc phòng Guinea. Lạ nữa, chỉ ba ngày sau biến cố, các lực lượng quân sự ở đất nước bị chia bè kéo cánh ủng hộ ông.

Phải mạnh thế nào ông mới tỏ ra không ngán quốc tế. Cộng đồng Kinh tế Quốc gia Tây Phi (ECWAS) gồm 15 nước đòi trả tự do lập tức cho tổng thống bị lật đổ. Ông im. Ngày 16/9, ECWAS ép phe đảo chính tổ chức bầu cử trong vòng sáu tháng. Ông im. Ngày 17/9, đích thân đại diện ECWAS đến thủ đô Conakry. Ông tiếp họ nhưng từ chối cho biết bao giờ bầu cử.

Lạ hơn nữa, ông giỏi giấu mình với cả người thân tín nhất. Anpha Conte sinh năm 1938, tổng thống dân cử đầu tiên, chọn cựu lính lê dương trong quân đội Pháp với hàm hạ sỹ làm chỉ huy lực lượng đặc nhiệm do chính mình dựng lên. Thử thách gần thập niên, năm 2019, trưởng đặc nhiệm nhận chức trung tá và, năm 2020, lên đại tá chỉ huy lực lượng ngang tiểu đoàn.

Người đàn ông lấy vợ Pháp và có ba con, có thể nói, qua mặt hầu như mọi tai mắt. Cái thế giới biết về Doumbouya chỉ là ông nằm trong số 25 quan chức Guinea bị EU dọa trừng phạt vì vi phạm nhân quyền. Kế hoạch bắt ông tháng 5/2021 bất thành càng cho thấy cựu binh từng tham chiến Afghanistan là bậc thầy né tránh. Liệu nhà lãnh đạo trẻ thứ hai châu Phi này có đem lại thịnh vượng cho đất nước không, chắc phải chờ.