Đại sứ Trung Quốc tại Canada Lư Sa Dã phát biểu tại một sự kiện báo chí tại đại sứ quán ở Ottawa rằng vụ bắt giữ Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu vào tháng trước là một hành động “đâm sau lưng” bởi một người bạn. Ông Lư cũng dọa sẽ trả đũa nếu Canada cấm doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia cũng cấp công nghệ 5G.
Ông Lư nói rằng sẽ là một ý tưởng tồi nếu Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland dùng Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, vào tuần tới để tìm kiếm sự ủng hộ nhằm chống lại Trung Quốc.
Bà Freeland trước đó nói rằng vụ Trung Quốc bắt giữ 2 người Canada trong lúc quan hệ hai bên căng thẳng sẽ là vấn đề nổi bật nhất mà bà đề cập đến ở Davos và bà cũng không hạ giọng sau khi nghe bài phát biểu của Đại sứ Lư.
Tuần trước, ông Lư cáo buộc Canada là theo “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” khi kêu gọi Trung Quốc thả 2 người Canada.
Sau cuộc trả lời phỏng vấn này của ông Lư, bà Freeland tuyên bố: “Bắt bà Mạnh là vấn đề pháp quyền. Đó là chuyện Canada hoạt động theo nghĩa vụ của hiệp định quốc tế. Vụ bắt bà Mạnh không phải quyết định chính trị của chính phủ Canada. Nó không thể trở thành một tuyên bố cho quan hệ của chúng ta với Trung Quốc”.
Canada đang thực hiện chiến dịch vận động các đồng minh nhằm gây sức ép để Trung Quốc thả 2 công dân của họ, đó là cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor. Hai người bị bắt 10 ngày sau khi bà Mạnh bị bắt ở Canada và bị cáo buộc “tham gia các hoạt động gây đe dọa cho an ninh quốc gia” của Trung Quốc. Trung Quốc cũng vừa bất ngờ tuyên án tử hình một người Canada khác là Robert Schellenberg vì tội buôn ma túy.
Ông John McCallum, Đại sứ Canada tại Trung Quốc, nói rằng Canada đã làm công việc rất tuyệt vời là huy động ủng hộ từ các đồng minh. Nhưng ông cũng nói rằng đó chỉ là bắt đầu.
Rất nhiều nước đã thể hiện ủng hộ Canada. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi vụ kết án tử là “mang động cơ chính trị”.
Hôm 17/1, Văn phòng của Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết người đứng đầu chính phủ của họ đã nói chuyện với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về vấn đề này. Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về án tử dành cho Schellenberg cũng như vụ bắt giữ 2 ông Kovrig và Spavor.
Canada đang nghiên cứu có nên dùng công nghệ 5G của Huawei hay không. Đã có những cáo buộc rằng nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới này làm việc cho Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc hỗ trợ hoạt động do thám của Trung Quốc. Mỹ, Úc, Nhật Bản và một số chính phủ khác đã ra lệnh hạn chế sử dụng công nghệ của Huawei vì những lo ngại đó.
Huawei đang đối mặt với ngờ vực khắp nơi, khi đang chuẩn bị ra mắt công nghệ thế hệ 5 mà họ đang đi đầu.
Mạng 5G được thiết kế kể mở rộng băng thông kết nối nhằm phục vụ các thiết bị y tế, ô tô tự lái và những công nghệ khác. Điều đó làm tăng nguy cơ xảy ra lỗi an ninh và khiến các chính phủ phải coi mạng viễn thông là tài sản chiến lược.
Hình ảnh của Huawei bị tổn hại thêm sau khi giới chức Ba Lan tuần trước thông báo rằng một nhân viên người Trung Quốc của họ đã bị bắt với cáo buộc gián điệp. Huawei sau đó thông báo sa thải nhân viên này và nói rằng cáo buộc đó không liên quan đến họ.