Phát biểu buổi lễ, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Haldun Tekneci cho biết, trận động đất ngày 6/2 vừa qua là một trong những thảm họa thiên nhiên nặng nề nhất trong lịch sử đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, những dư chấn lớn gây ra nhiều thương vong cũng xảy ra liên tiếp sau đó. Mặc dù đã có kinh nghiệm đối phó với động đất, nhưng quy mô và mức độ tàn phá nghiêm trọng của các trận động đất này đã vượt ra ngoài khả năng của quốc gia này.
Theo ông Haldun Tekneci, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cử lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Các đội cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam ở hai thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ đã tận mắt chứng kiến thực trạng vô cùng tàn khốc và làm việc không mệt mỏi trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại đây. Khi quay trở lại Việt Nam, đoàn công tác cũng đã trao tặng lại các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn của mình.
“Ngày hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để biểu dương và khen ngợi những nỗ lực hết sức dũng cảm, những đóng góp quên mình và những hành động vô cùng cao đẹp của họ. Nghĩa cử cao đẹp này đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện sứ mệnh nhân đạo toàn cầu”, ông Haldun Tekneci nói.
Theo Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, điều này đã thể hiện mối quan hệ hết sức tốt đẹp mà Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử gần đây của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một loại hình hoạt động nhân đạo và huy động một lực lượng lớn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi xin trân trọng cám ơn Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã đóng góp to lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ; cám ơn các đội tham gia cứu hộ, cứu nạn cũng như gia đình của họ, đã quên mình phục vụ và không ngại hiểm nguy tại đất nước chúng tôi; cám ơn Chính phủ Việt Nam vì tình đoàn kết, tương thân tương ái mà các bạn đã dành cho chúng tôi trong thời khắc khó khăn vừa qua”, Đại sứ Haldun Tekneci nhấn mạnh.
Nỗ lực vì sứ mệnh nhân đạo
Cũng tại lễ tuyên dương, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam thông tin chi tiết quá trình thực hiện nhiệm vụ và kết quả của những người lính Việt Nam trong sứ mệnh nhân đạo quốc tế này.
Theo đó, đoàn công tác QĐND Việt Nam xuất phát từ sân bay Nội Bài tối 12/2, sau nhiều chặng đường di chuyển bằng các phương tiện khác nhau, ngày 13/2, đoàn đến tỉnh Hatay, sau đó di chuyển đường bộ khoảng hơn 200km đến nơi triển khai nhiệm vụ tại xã Haci Omer Alpagot, huyện Antakya, tỉnh Hatay. Đây là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề của trận động đất và dư chấn (ngày 20/2 tiếp tục xảy ra 2 trận động đất dư chấn mạnh 6,3 và 5,8 độ và nhiều dư chấn khác).
Mặc dù điều kiện công tác khó khăn, nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ban đêm từ âm 6 đến âm 10 độ C; không có điện và nước ngọt, các dư chấn động đất vẫn mạnh; nhưng ngay sau khi đến tỉnh Hatay, đoàn công tác đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều phối ứng phó khẩn cấp thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), Cơ quan điều phối của Liên Hợp Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ để nắm thông tin tình hình, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đoàn công tác được phân công nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại nhiều vị trí; khi phát hiện mục tiêu thì bàn giao cho lực lượng sở tại sử dụng những trang bị nặng để đào bới, đưa nạn nhân ra ngoài. Từ ngày 13/2 đến ngày 22/2, đoàn đã triển khai tổ chức tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện 15 điểm có nạn nhân trong đống đổ nát, bàn giao cho lực lượng cứu hộ địa phương sử dụng trang thiết bị nặng đào bới, tìm được 28 nạn nhân thiệt mạng. Phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn của hai nước khác tổ chức tìm kiếm, bàn giao ba vị trí có nạn nhân cho lực lượng cứu hộ địa phương xử lý và đưa 10 nạn nhân thiệt mạng ra ngoài.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đoàn đã tổ chức thăm hỏi, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm công tác với các đoàn quốc tế đến tham gia cứu hộ cùng khu vực. Đội quân y cũng đã khám, sơ cứu và cấp thuốc cho 7 nhân viên cứu trợ của các nước bị tai nạn trong khi tác nghiệp.
Cùng với nỗ lực tìm kiếm sự sống trong các đống đổ nát, đoàn công tác cũng hỗ trợ 25 hộ dân và một số người dân địa phương thoát nạn trước khi nhà bị đổ sập do dư chấn, giúp nhân dân thu dọn tài sản và chuyển đến nơi ở mới; chia sẻ một số hàng hóa, trang bị của đoàn như lều dã chiến, giường xếp, túi ngủ, chăn bông, ủng, giày, nước lọc, lương khô cùng một số loại thực phẩm khác; thăm hỏi, chia sẻ, động viên các gia đình tại địa phương sớm vượt qua những mất mát, khó khăn do động đất gây ra. Ngoài ra, các thành viên trong đoàn đã tự nguyện quyên góp được số tiền 4.000 USD để ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân địa phương mua lương thực, thực phẩm trong thời gian trước mắt.
“Chiều 21/2, trước khi lên đường về nước, đoàn QĐND Việt Nam đã trao tặng chính quyền địa phương 25 tấn hàng hóa cứu trợ, bao gồm lương khô, gạo, sữa, nhu yếu phẩm và một số trang thiết bị y tế, thuốc cấp cứu, điều trị. Phía bạn cho biết số hàng hóa, vật tư y tế mà Quân đội Việt Nam trao tặng sẽ nhanh chóng được chuyển tới các bệnh viện và trung tâm hỗ trợ y tế phục vụ thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và tới những người dân đang chịu thảm họa”, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình nói.
Theo Phó Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Trọng Bình, ngày 19/2, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố chấm dứt hoạt động tìm kiếm tại hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng để bắt đầu tái thiết đất nước. Sáng 21/2, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã quyết định kết thúc nhiệm vụ và rút lực lượng QĐND Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước.