TS. Nguyễn Phước Vinh -Trường ÐH Khoa học sức khỏe (ÐHQG TPHCM), Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2024: Truyền cảm hứng đổi mới cho thanh niên
Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt - đất nước đang thay đổi mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì thế, tôi mong đại hội sẽ truyền tải được mạnh mẽ thông điệp đổi mới này để thanh niên có trách nhiệm hơn với cộng đồng, đất nước.
Theo tôi, điều quan trọng đầu tiên là thế hệ trẻ phải “tu thân”. Trong thời đại mới, rèn luyện bản thân không chỉ dừng lại ở việc không ngừng tích luỹ về tri thức, mà còn được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác. Người trẻ phải học tập và học tập suốt đời. Mục tiêu của học tập không phải vì “một tờ A4”, mà là một quá trình tích lũy kiến thức đủ lượng để thay đổi về chất. Bên cạnh đó, việc học tập tốt rèn luyện cho chúng ta tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, đặc biệt là khả năng phân tích và thích nghi nhanh trong thời đại hội nhập toàn cầu. Cùng đó, phát triển kỹ năng mềm, thông minh cảm xúc, đạo đức và tính chuyên nghiệp.
Hiện, có nhiều luồng suy nghĩ “bất chấp tất cả để thành công”. Theo tôi, điều này nên cải biến thành nắm lấy tất cả cơ hội và nắm bắt một cách có đạo đức. Thế hệ gen Z có rất nhiều đặc điểm khác biệt so với thế hệ trước, như cá tính mạnh, nhu cầu định vị bản thân cao. Tôi mong rằng, Hội LHTN Việt Nam phối hợp với hệ thống nhà trường, các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chăm tốt sức khoẻ tinh thần cho bạn trẻ nói chung, thế hệ gen Z nói riêng, chẳng hạn như các khoá đào tạo về “quản lý stress” cho học sinh, sinh viên.
Bạn Trần Lê Hoàng Thắng - Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Trường Quốc tế - ÐHQG Hà Nội: Chính sách đãi ngộ xứng đáng cho tài năng trẻ
Là thế hệ trẻ, chúng tôi luôn khao khát được phát triển bản thân, góp sức trẻ đưa đất nước vươn tầm thế giới. Tôi mong Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX sẽ mở ra được nhiều chương trình, đề án, giải pháp để xây dựng một thế hệ trẻ giỏi chuyên môn, giàu bản lĩnh, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Trong nhiệm kỳ mới, Hội LHTN Việt Nam sẽ kết nối, phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp để khuyến khích tinh thần đổi mới và khám phá cho bạn trẻ trong các lĩnh vực công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn - Big Data và chuỗi khối - blockchain. Đồng thời, cần khuyến khích và tạo môi trường để bạn trẻ học ngoại ngữ như tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn... để có thể tự tin giao tiếp, làm việc toàn cầu; tích hợp kỹ năng số cho thanh niên, như sử dụng công cụ văn phòng, lập trình và an ninh mạng.
Một vấn đề tôi tâm đắc và mong muốn nhất là Nhà nước có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho những người trẻ tài năng và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ. Việc này không chỉ giúp tuyển dụng và giữ chân nhân tài mà còn tạo động lực để họ cống hiến hết mình cho đất nước. Một môi trường làm việc công bằng, minh bạch và giàu cơ hội thăng tiến sẽ giúp thế hệ trẻ tự tin theo đuổi hoài bão và khẳng định bản lĩnh, từ đó, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển c
TS. Lê Thị Phương - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Quả Cầu Vàng năm 2022: “Cộng hưởng” điểm mạnh của những nhà khoa học
Để thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và phát huy vai trò của trí thức trẻ, tôi kỳ vọng, tổ chức Hội cần hỗ trợ, là cánh tay nối dài cho trí thức trẻ có cơ hội áp dụng được các tiến bộ, kiến thức đã học ở nước ngoài vào nghiên cứu tại Việt Nam.
Theo đó, trọng tâm là đầu tư cho Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu bằng cách xây dựng một cơ sở dữ liệu hiện đại. Đây sẽ là nơi tập hợp thông tin về chuyên môn, thành tựu nghiên cứu và lĩnh vực quan tâm của các thành viên trí thức trẻ trong nước và quốc tế. Việc này giúp tối ưu hóa khả năng kết nối giữa các cá nhân và tổ chức có cùng mục tiêu, tạo điều kiện để hợp tác hiệu quả và phát huy tiềm năng của các nguồn lực khoa học.
Mạng lưới cần hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, và nông nghiệp thông minh. Các nhóm này sẽ là hạt nhân triển khai những dự án nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội và định hướng tương lai.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế tài trợ dự án thông qua mạng lưới, tập trung vào các ý tưởng nghiên cứu có tiềm năng lớn; tổ chức các sự kiện khoa học thường niên và diễn đàn đối thoại chính sách để các nhà khoa học trẻ đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp và kiến nghị các chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe và phản hồi.
Ðại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029 diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của 980 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 21 triệu cán bộ, hội viên, thanh niên cả nước. Ðây là sự kiện quan trọng, ngày hội đoàn kết rộng rãi thanh niên Việt Nam yêu nước, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên. Ðại hội cũng là dịp để các đại biểu có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, thảo luận và đưa ra các quyết sách đối với công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ mới, góp phần phát huy sứ mệnh thanh niên Việt Nam trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
PGS.TS Trần Lê Hưng - Trường Kỹ sư Paris (Ðại học Gustave Eiffel, Pháp), ban chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu: Kết nối mạng lưới trí thức trẻ người Việt
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX không chỉ là nơi chia sẻ tiếng nói, mà còn là cơ hội để phát huy cao nhất vai trò của thanh niên trong việc khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.
Trong bối cảnh đất nước hướng đến các mục tiêu chiến lược như phát triển AI, công nghệ bán dẫn và các cơ sở hạ tầng trọng yếu như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hay tái khởi động nhà máy điện hạt nhân, vai trò của thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ, là vô cùng quan trọng. Thanh niên chính là lực lượng nòng cốt, mang sức mạnh đổi mới sáng tạo, nhiệt huyết và khả năng thích nghi để đưa những ý tưởng lớn thành hiện thực.
Tôi mong rằng, đại hội sẽ chú trọng thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm kết nối, phát huy mạng lưới trí thức trẻ người Việt trên toàn cầu. Các chương trình hợp tác quốc tế, hội thảo chuyên đề, hay các dự án nghiên cứu ứng dụng thực tiễn có sự tham gia của thanh niên trong và ngoài nước cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Điều này không chỉ tận dụng tối đa nguồn lực nội sinh, mà còn giúp thanh niên Việt Nam chủ động trong việc học hỏi, chuyển giao công nghệ, và phát triển các thành tựu khoa học công nghệ mang thương hiệu Việt.
Tôi tin rằng, với lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm, thanh niên Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, luôn sẵn sàng đóng góp trí tuệ và sức trẻ để đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, xứng tầm với các quốc gia phát triển. Đại hội lần này chính là cơ hội để chúng ta khẳng định vai trò tiên phong của thanh niên trong hành trình ấy.