Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), việc cải tạo chung cư cũ còn khó khăn có nguyên nhân sâu xa do quy định sở hữu không thời hạn. Do vậy, ông đề nghị lần sửa đổi này quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư theo thời gian của công trình. Kèm theo đó, đến thời hạn mà đánh giá, kiểm định lại vẫn đạt chất lượng thì vẫn tiếp tục được kéo dài thời hạn sử dụng. Theo ông, quy định như vậy, người sở hữu nhà không phải trả tiền vô thời hạn, khi đó chắc chắn giá nhà sẽ rẻ hơn.
Tranh luận sau đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, chung cư tuổi thọ càng cao, hiệu quả kinh tế, xã hội càng lớn. Nếu không sẽ thành khuyến khích các chung cư có thời hạn 20 - 40 năm, trong khi ở nước ngoài, tuổi thọ nhà chung cư ngày càng cao, có thể lên tới 99 năm. “Nơi ở dài hạn, từ thế hệ này sang thế hệ khác là nhu cầu rất lớn, củng cố mối quan hệ gia đình. Ở nước ngoài có các khu chung cư cả trăm năm”, ông Nghĩa nói và đề xuất duy trì cả hình thức sở hữu chung cư vô thời hạn và có thời hạn để người dân lựa chọn.
Giải trình làm rõ, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, cơ quan soạn thảo đã trình Chính phủ, không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. “Dự thảo luật đã bổ sung, làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ… làm rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan”, Bộ trưởng nói.
Nộp tiền vào ngân sách mới giao đất
Phát biểu tại tổ về Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phản ánh tình trạng doanh nghiệp bán, thu tiền của người dân rồi đi kinh doanh dự án khác, sử dụng tiền vào việc khác, không nộp tiền vào ngân sách, khiến người dân không được làm sổ đỏ. Từ đó xảy ra nhiều bất ổn khi người dân khiếu nại quyền lợi.
“Tôi đề nghị phải có thiết kế quy định để doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Nếu không thì không giải quyết được. Nếu doanh nghiệp vi phạm, lừa đảo, cùng lắm chủ doanh nghiệp bị bắt đi tù nhưng hàng chục ngàn sổ đỏ của người dân ai giải quyết?... Nếu doanh nghiệp không nộp tiền thì không thể giải quyết được, gây bất ổn. Nên tôi đề nghị phải nộp tiền vào ngân sách mới giao đất, “tiền trao cháo múc” để tránh sau này đi đòi nợ”, ông Phớc cho hay.
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, chính sách về phát triển, quản lý nhà ở xã hội (NOXH) để bán, cho thuê, cho thuê - mua là một nhóm chính sách quan trọng trong sửa đổi luật. Tuy nhiên, nhóm chính sách này được thể hiện trong dự thảo luật chưa thể hiện trúng, xử lý đúng vướng mắc trong thực tiễn. Từ đó, ông Hiển đề nghị cần tách bạch giữa chính sách phát triển NOXH với chính sách quản lý vận hành.
Đặc biệt, ông đề nghị nên sửa đổi lại khái niệm NOXH theo hướng chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê - mua. “Nếu quy định NOXH chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê NOXH với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội”, ông Hiển nêu.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, cho ý kiến về vấn đề NOXH, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, dù dự án do Nhà nước hay tư nhân bỏ vốn xây dựng cũng đều phải duyệt giá. Vì NOXH Nhà nước không thu tiền sử dụng đất, đối tượng được mua là có điều kiện và được Nhà nước duyệt. Do vậy, nếu doanh nghiệp ngoài Nhà nước xây dựng thì phải duyệt giá, vì đây chỉ là tài sản hình thành trên đất.
“Nếu xây một m2 NOXH hết 10 triệu, thì chỉ cho bán 15 - 17 triệu thôi. Càng tiết kiệm càng có lời, chứ không thể chủ doanh nghiệp được quyết định giá bán ăn chênh lệch địa tô, hay tiền sử dụng đất được tính vào giá bán thì không được. Phải bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà và không để trục lợi. Tôi cho rằng, phải duyệt giá với NOXH, dù Nhà nước hay tư nhân đầu tư”, ông nói.