Hiện thực hóa cam kết
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 7 tháng của năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD. Vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Cả nước có 8 địa phương hút vốn FDI đạt trên 1 tỷ USD bao gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai.
Trong đó, Bắc Ninh vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, đạt gần 3,2 tỷ USD sau 7 tháng. “Tỉnh trở thành quán quân của sự góp mặt các dự án lớn, trong đó, Tập đoàn Amkor rót thêm 1,07 tỷ USD mở rộng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Sau khi điều chỉnh, nhà máy của Amkor có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Điểm sáng thu hút FDI công nghệ cao khác là Đồng Nai. Từ đầu năm đến nay, 3 dự án thuộc ngành công nghiệp bán dẫn của Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc Tập đoàn Coherent (Mỹ) đầu tư vào KCN Nhơn Trạch với tổng vốn 127 triệu USD.
Báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC chỉ ra, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng của dòng vốn FDI. Sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh, nhờ chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. Để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, HSBC cho rằng Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất, và nâng tỷ lệ nội địa hóa trong những hàng hóa này.
Bên cạnh đó, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bán dẫn cũng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Tháng 5/2024, Tập đoàn Marvell (Mỹ) công bố mở thêm một trung tâm thiết kế chip tại Đà Nẵng. Marvell đã mở văn phòng mới tại Đà Nẵng, tiếp sau thành công của 2 văn phòng hiện hữu tại TPHCM. Tại Việt Nam, Marvell hoạt động từ năm 2013, với khoảng 400 nhân viên. 97% nhân sự là kỹ sư chất lượng cao, trình độ cao trong thiết kế vi mạch và điện tử
Sau lời hứa của Chủ tịch Jensen Huang biến Việt Nam trở thành quê hương thứ 2 của Nvidia, tập đoàn này tiếp tục sang nước ta khảo sát địa điểm đầu tư, đã ký thỏa thuận trị giá 200 triệu USD với FPT. Phó Chủ tịch Nvidia Keith Strier đã tới thăm Việt Nam vào tháng 4/2024, đồng thời, Nvidia và FPT công bố dự án 200 triệu USD thành lập nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ nghiên cứu và phát triển AI tại khu vực, đồng thời nâng cao năng lực triển khai dịch vụ AI và Cloud trên toàn thế giới. Vừa qua, một phái đoàn của Nvidia tiếp tục đến TPHCM để khảo sát và trao đổi khả năng hợp tác trong thời gian tới.
Không chỉ Nvidia, hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam với hàng loạt tên tuổi lớn như: Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...
“Việt Nam phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn”.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Hiệp hội bán dẫn Mỹ (SIA) trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng cho biết, nhiều doanh nghiệp đã tăng gấp đôi khoản đầu tư vào Việt Nam, cho thấy vai trò quan trọng của nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình, Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam từ năm 2006, bước vào giai đoạn thứ hai mở rộng hoạt động đóng gói và kiểm thử (ATM). Nhà máy Intel tại TPHCM chiếm hơn 70% tổng khối lượng ATM của hãng, tạo ra hơn 7.000 việc làm.
Cơ hội lịch sử
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Chất lượng các dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn”
Đặc biệt, niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố. Nhà đầu tư hiện hữu đều tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ và tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam, đồng thời nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và dư địa trong trung và dài hạn. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố. Nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử có xu hướng tìm đến với Việt Nam. Nước ta có triển vọng đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định, 3 xu hướng đáng chú ý trong dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ đến từ các thị trường Mỹ, châu Âu (EU) và Trung Quốc. Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh, cũng như ghi nhận sự “lột xác” về chất. “Trước đây, dự án của Trung Quốc thường có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, đến nay, công nghệ của Trung Quốc không thua kém các nước phát triển, đặc biệt là công nghệ dân dụng, có khả năng chuyển giao”, ông Toàn cho biết.
Với các đối tác Mỹ, EU, Việt Nam có lợi thế sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hay thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. “Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam còn thấp so với tiềm năng, chưa cân xứng với quan hệ thương mại hai nước. Sự chưa hợp lý này lại chính là tiềm năng cho chúng ta đẩy mạnh thu hút đầu tư. Vừa qua, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn đã tới Việt Nam khảo sát, ra tuyên bố đầu tư”, ông Toàn phân tích và bày tỏ kỳ vọng, những cam kết sớm được hiện thực hoá trong thời gian tới.
Bên cạnh những thuận lợi, theo Phó Chủ tịch Vafie, thách thức cho Việt Nam trong thu hút FDI vẫn tồn tại. Đặc biệt, các đối thủ cạnh tranh trong thu hút FDI công nghệ cao là Ấn Độ, Indonesia có nền kinh tế quy mô lớn hơn nước ta, nguồn nhân lực tốt, chính sách cởi mở… Điều này đòi hỏi Việt Nam không ngừng nâng cấp môi trường đầu tư, tạo hệ sinh thái trong phát triển công nghiệp bán dẫn.
“Chúng ta đứng trước cơ hội lịch sử để tham gia vào ngành công nghiệp này, có rất nhiều việc phải làm. Chính phủ đã nhìn ra cơ hội này, đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực bán dẫn đến năm 2030, xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Mục tiêu tham vọng, nhưng có cơ sở, cần sự quyết tâm, đầu tư nghiêm túc của các bên”, ông Toàn nhấn mạnh.
Được biết, đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng 2045 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ. Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân trong lĩnh vực bán dẫn. Thủ tướng cũng vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, do đích thân Thủ tướng giữ vai trò trưởng ban.