Ông Lee Do-hoon, đặc phái viên Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh bán đảo Triều Tiên, đã bắt đầu chuyến thăm bốn ngày tới Washington kể từ ngày 19/6 trong bối cảnh có nhiều hy vọng về việc nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.
"Vấn đề lớn nhất hiện nay khi nói đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình là việc sớm nối lại các cuộc đàm phán của Mỹ- Triều", Lee nói với các phóng viên khi đến Sân bay Quốc tế Dulles của Washington ngày 19/6.
"Kế hoạch của tôi là gặp Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng và các quan chức chính quyền khác để thảo luận về các cách để đẩy nhanh việc nối lại các cuộc đàm phán ", ông Lee cho biết.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang lâm vào bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua khi ông Trump và ông Kim rời khỏi cuộc họp mà không đạt được thỏa thuận chung.
Tuy nhiên, tuần trước, ông Trump tiết lộ rằng, ông đã nhận được một bức thư "đẹp đẽ" mới từ ông Kim nhân kỷ niệm một năm cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai người tại Singapore. Điều này đã mở ra những hy vọng về khả năng cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba trong tương lai.
Ông Lee cũng cho biết, ông đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Triều Tiên vào cuối tuần này.
"Tôi nghĩ rằng, chuyến thăm của ông Tập tới Triều Tiên sẽ góp phần vào việc sớm nối lại các cuộc đàm phán Mỹ- Triều và tiến tới phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", ông Lee nói.
Ông Lee cũng cho biết thêm, cho tới nay Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tôi tin rằng họ sẽ tiếp tục làm việc theo hướng đó". Ông hy vọng sẽ thấy "hiệu ứng tổng hợp" khi ôngTrump tới Seoul để hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào cuối tháng này, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Bình Nhưỡng từ ngày 20-21/6. Một số nhà phân tích cho rằng, căn cứ trên các cuộc gặp trước đây giữa ông Kim và ông Tập, đây có thể là tiền đề cho việc nối lại các cuộc đàm phán liên Triều hoặc đàm phán Mỹ- Triều.
Một số nhà phân tích khác lại cho rằng, đây là nỗ lực của ông Tập nhằm tối đa hóa đòn bẩy của mình tại cuộc gặp “ mặt đối mặt” với ông Trump bên lề G20 cuối tháng này.
Ngày 19/6, ông Lee và người đồng cấp của mình, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại cuộc đối thoại chiến lược tại Hội đồng Đại Tây Dương.
Đây sẽ là bài phát biểu công khai đầu tiên của ông Lee tại Mỹ và lần đầu tiên hai đặc phái viên cùng lên sân khấu trò chuyện về các vấn đề chiến lược.