Khó đột phá nếu vẫn giữ UBND và HĐND
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT), đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) được xác định là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, không xác định phân chia theo mô hình chính quyền cấp xã/phường phía dưới như thông thường nữa mà chỉ chia thành các khu hành chính. Đặc khu cũng không tổ chức như một cấp chính quyền với HĐND, UBND mà phân cấp mạnh thẩm quyền cho Trưởng đặc khu. Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, bãi nhiệm, cách chức nhưng vẫn chịu sự giám sát của HĐND, UBND cấp tỉnh, phải báo cáo công tác, trả lời chất vấn trước các cơ quan này.
Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, phương án chỉ có trưởng đặc khu, không tổ chức HĐND và UBND có nhiều ưu thế. Bởi vì UBND theo cơ chế tập thể, để giải quyết vấn đề nhanh, đặc khu kinh tế như giải quyết nhanh mọi vấn đề thì bộ máy chính quyền được tổ chức phải gọn nhẹ, năng động, linh hoạt, tạo điều kiện cho nhà đầu tư là mục tiêu.
Ủng hộ quan điểm trên, Nguyên Phó viện trưởng Viện chính sách phát triển (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Bá Ân cho rằng, phải có tư duy đột phá về mô hình chính quyền ở đặc khu. Trong đó, nếu thuộc cấp tỉnh nhưng thẩm quyền của đặc khu có thể có những vấn đề phải vượt lên cả cấp tỉnh. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc đầu tiên khi thảo luận về vấn đề này là phải tạo ra được mô hình nào đảm bảo để đặc khu sẽ trở thành một hình mẫu vượt hẳn lên thông lệ, chứ nếu tổ chức mô hình chính quyền hành chính như hiện hành thì “nhiều trói buộc kinh khủng”.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu đưa đặc khu kinh tế xuống cấp tỉnh thì 63 tỉnh thành đều muốn có đặc khu. Từ đó tạo ra sự cát cứ, mỗi tỉnh thành là nền kinh tế riêng và gây ra tình trạng các tỉnh cạnh tranh lẫn nhau. “Đặc khu thì có nhiều ưu đãi, nhiều cơ chế nên tỉnh nào cũng xin làm, cũng như một thời tỉnh nào cũng muốn sân bay, cảng biển. Không khéo rồi tỉnh nào cũng đề xuất làm đặc khu”, ông Dung cảnh báo.
Ai kiểm soát quyền lực trưởng đặc khu?
Một trong những nội dung cũng được các học giả tranh luận sôi nổi là vai trò và vị trí của Trưởng đặc khu. Theo Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Trưởng đặc khu sẽ do Thủ tướng Chính phủ sẽ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức. Trưởng đặc khu sẽ chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh. Trưởng đặc khu cũng chịu trách nhiệm và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và về toàn bộ hoạt động của đặc khu.
“Dự thảo quy định Trưởng đặc khu chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, trước Thủ tướng, HĐND, UBND cấp tỉnh nhưng ông này có phải được HĐND tỉnh bầu ra đâu mà chịu trách nhiệm trước cơ quan này. Luật cũng dự kiến tạo cho Trưởng đặc khu một vị thế đặc biệt, ít phụ thuộc để có thể quyết định, thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài nhưng các quy định đưa ra lại cho thấy ông này sẽ rất phụ thuộc vào chủ tịch UBND và HĐND tỉnh”, GS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam góp ý.
TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, cần xây dựng các quy định để tập trung quyền lực cho Trưởng đặc khu, chứ không phải quyền lực tập thể chung chung. “Trưởng đặc khu phải là một người có đặc quyền và hoạt động theo luật. Trưởng đặc khu không trực thuộc ai cả. Như thế thì quyền lực mới tập trung”, ông Huệ nói.
TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển lại băn khoăn về câu chuyện kiểm soát quyền lực. Ông Giao đặt ra hàng loạt câu hỏi: Khi trao quyền hạn lớn cho Trưởng đặc khu có đủ năng lực để thực thi không? Việc giám sát quyền lực thế nào? Tiêu chí nào để bổ nhiệm Trưởng đặc khu? Rồi “lợi ích nhóm” thì có công cụ nào để ngăn chặn khi quyền đã giao hết cho Trưởng đặc khu, như quyền chỉ định thầu với các dự án trong hàng rào?
“Nếu bổ nhiệm được ông có năng lực, có tư duy thì rất tốt. Còn không may, hoặc vì lý do nào đó rồi bổ nhiệm người không có năng lực sẽ rất tai hại. Do đó cần phải có những quy định về bãi nhiệm, từ chức Trưởng đặc khu như thế nào cho kịp thời”, ông Giao góp ý. Ông Giao cũng đề xuất nghiên cứu để nhân dân bầu trực tiếp Trưởng đặc khu. “ Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả thì “lợi ích nhóm” len lỏi vào đây và 3 đặc khu dễ trở thành 3 miếng mồi ngon lành”, ông Giao cảnh báo.
“Đã là luật cho những khu vực đặc thù thì phải có xung đột, xung đột để phát triển. Các quy định trao cho đặc khu cũng phải vượt qua quyền lợi bộ, ngành, địa phương, chứ nếu chúng ta cứ quyền anh, quyền tôi thì Luật không ra được. Hoặc Luật ra được thì cũng méo mó, khó tập trung phát triển kinh tế”
TS Phạm Tuấn Khải, nguyên cán bộ VPCP