Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được cho là đã bám sát Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông - vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Bộ GTVT trình Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia xem xét cho ý kiến, trước khi trình cấp có thẩm quyền, Quốc hội thông qua.
Hiện chưa rõ nội dung của Đề án bởi theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm bảo quản thông tin báo cáo trong quá trình làm việc, trường hợp chia sẻ thông tin cần báo cáo Trưởng ban xem xét, chấp thuận.
Tuy nhiên, nội dung của Đề án chắc chắn là phải bám sát Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông - vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu phát triển GTVT đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Về các mục tiêu cụ thể, Bộ Chính trị xác định đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (Hà Nội-Vinh; TP. HCM-Nha Trang).
Trước đó, trong đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đánh giá, Dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn.
Đồng thời đây là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần có sự chỉ đạo tập trung từ cấp cao nhất, có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật (công nghệ, tốc độ khai thác, đối tượng phục vụ v.v...), mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn.
Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định; các chuyên gia đồng thời triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt.
Bộ GTVT cũng đã tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như Châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, Bộ GTVT sẽ huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025.
https://baodautu.vn/da-trinh-chinh-phu-de-an-chu-truong-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-bac--nam-d203921.html