Ngày 30/8, TP. Đà Nẵng tổ chức sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của thành phố trong lĩnh vực này.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - cho hay, đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
“Thành phố tập trung tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 1-2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử”, ông Hồ Kỳ Minh thông tin.
Phó Chủ tịch UBND TP chia sẻ thêm về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù thu hút các nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược sẽ được cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhà đầu tư chiến lược cũng được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan; hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới...
Đối tác chiến lược còn được cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; được phép thực hiện chỉ định thầu mua sắm các trang thiết bị đặc thù; hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới; hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, còn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, cá nhân hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Các doanh nghiệp rất quan tâm đến những chính sách ưu đãi này. Ông Lê Quang Đạm - Tổng Giám đốc Công ty Mavell Việt Nam - cho hay, nhờ sự hỗ trợ của thành phố, công ty đã mở trung tâm đầu tiên tại Đà Nẵng với hơn 50 kỹ sư. "Thành phố đã hỗ trợ rất nhiệt tình, nhất là trong vấn đề thủ tục. Với các ưu đãi trên, công ty cam kết với thành phố sẽ phát triển hơn nữa nguồn nhân lực, đưa các dự án mới nhất về để các kỹ sư có thể tiếp cận", ông Đạm nói.
Ông Hans Duisters - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Sioux Technologies, Hà Lan - đánh giá Đà Nẵng có vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Điển hình như các Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm... Thành phố cũng có nhiều trường đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực này cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp, chính quyền.
Phát biểu tại chương trình, ông Bùi Hoàng Phương - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - lưu ý Đà Nẵng sớm cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 136 để có chính sách hỗ trợ cụ thể ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
“Bộ cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng Đà Nẵng, cùng doanh nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước khi tham gia đầu tư tại Đà Nẵng cũng như các địa phương trong cả nước”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nói.
Hiện Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ trường Đại học Bách khoa và các trường đại học trên địa bàn. Nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10% tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của cả nước.