Đà Lạt công khai danh tính 7 cửa hàng dùng “cò” ép khách

TPO -  “Cò” đeo bám, chèo kéo du khách đi xem vườn dâu tây nhưng mục đích chính là đưa họ vào các cửa hàng, ép họ mua “đặc sản” với giá cao.  Các cơ sở kinh doanh đặc sản này thường móc nối và trả huê hồng hậu hĩ cho “cò”.
'Cò' đặc sản đeo bám xe du lịch trên đường

Ngày 4/7, Công an TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) phối hợp với các cơ quan chức năng ra quân xử lý nạn “cò đặc sản" đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt tại hai địa điểm mà “cò” đặc sản thường tụ tập chèo kéo, làm phiền du khách như Vườn hoa Thành phố và Thung lũng tình yêu, công an lập chốt và bố trí lực lượng tuần tra, xử lý các đối tượng vi phạm.

Cùng ngày, cơ quan công an đã công khai danh tánh 7 cơ sở kinh doanh “đặc sản Đà Lạt” nhiều lần vi phạm hành chính trong các lĩnh vực như bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng “cò” để lôi kéo, ép buộc du khách mua hàng. 

Tiêu biểu là cơ sở Tấn Phát (đường Nguyên Tử Lực) đã 12 lần vi phạm. Cơ sở Bảo Khang (đường Phù Đổng Thiên Vương) và Dâu Rừng (đường Nguyên Tử Lực) 5 lần vi phạm. Các cơ sở Trung Thành (đường Nguyên Tử Lực), Bảo Nghi (đường Phù Đổng Thiên Vương), Quỳnh My và Bảo Uyên (đường Mai Anh Đào) đều đã 3 lần vi phạm. 

Thời gian qua, nhiều du khách và tài xế phản ánh vì không mua “đặc sản” theo chỉ đạo của “cò” mà bị hành hung hoặc đe dọa. Trước tình hình đó, Công an TP. Đà Lạt đã điều tra xử lý hành chính 89 đối tượng “cò” đặc sản, tạm giữ 78 xe gắn máy và xử phạt trên 108 triệu đồng.

42 cơ sở kinh doanh “đặc sản Đà Lạt” thường xuyên sử dụng “cò” và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc cũng bị xử phạt trên 200 triệu đồng.  

Cơ quan chức năng nhận định lợi nhuận từ việc bán đặc sản quá lớn trong khi chế tài xử lý còn quá nhẹ nên các đối tượng vẫn ngoan cố hoạt động; việc dẹp bỏ hoàn toàn lực lượng “cò” là rất khó.