Đã khóa bảo vệ trang cá nhân

TP - Chơi facebook bây giờ, thường xuyên gặp dòng chữ “Đã khóa bảo vệ trang cá nhân” to tướng. Đó là khi đọc được những còm men tranh luận rất khí thế ở đâu đó, bèn bấm thử vào trang của chủ nhân những cái còm ấy xem sao, liền đập vào mắt dòng chữ trên. Thậm chí nhiều lúc nhận được lời mời kết bạn, nhưng vào xem trang của người mời, cũng đã khóa kín bưng!

Từ năm 2020, Facebook đã ra mắt tính năng an toàn mới cho phép người dùng khóa hồ sơ của mình. Dành cho những người không muốn công khai thông tin, hình ảnh, những câu chuyện của cá nhân, gia đình với những ai không phải bạn bè. Nhiều điểm nóng về xung đột, bạo lực như Ukraine, Afghanistan,... tính năng này được kích hoạt một cách đặc biệt để bảo vệ người dùng tránh trở thành mục tiêu tấn công. Tháng 2/2022, Meta mở rộng chương trình bảo mật tài khoản Facebook đến với người dùng tại Việt Nam.

Gần đây nhất, Facebook còn mở thêm tính năng bình luận ẩn danh cho người dùng tại Việt Nam, trước mắt là những trang thuộc về các hội/nhóm. Có nghĩa người sử dụng tính năng này sẽ thoải mái bình luận mà mọi thành viên còn lại không biết mình đang nói chuyện với ai.

Ảnh minh họa: Cellphones.

Giữa thế giới xô bồ, hỗn tạp này, việc bảo vệ quyền riêng tư của mình trên không gian mạng là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Nhưng liệu có gì đó sai sai, khi vừa muốn riêng tư cá nhân, vừa lại muốn đưa chân vào chốn lắm thị phi, thậm chí “gió tanh mưa máu” như mạng xã hội? Đặt câu hỏi đó, bởi tôi nhận thấy khá đông những người “đã khóa bảo vệ trang cá nhân” lại đi còm dạo nhiều nhất. Những bình luận đầy “sát khí”, bất chấp đúng sai. Tương tự như ở các hội nhóm, dù quản trị viên có thể nắm được danh tính của người ẩn danh, nhưng toàn bộ thành viên còn lại sẽ tranh luận với người vô hình. Một bên lộ diện một bên giấu mặt, câu chuyện sẽ ra sao, kết quả là gì với thể loại “tương tác” ấy?

Nhưng kể cả bạn đã khóa hồ sơ facebook, hay ẩn danh, thì liệu đã an toàn?

Bạn có tin rằng chiếc điện thoại thông minh đang nằm im lìm trên bàn hay nhét trong túi quần vẫn có thể nghe thấy mọi điều mình nói, mình làm hàng ngày không? Đó là sự thật. Tính năng đáng sợ ấy không phải mới đây, mà đã có từ dăm, bảy năm trước. Những thuật toán AI giám sát âm thanh trong chiếc điện thoại có thể âm thầm biết bạn đang nói dối, đang say xỉn, thậm chí biết bạn đang ăn gì trong miệng... Cho dù những người phát triển thuật toán này luôn nói rằng điện thoại chỉ ghi âm khi nào bạn ra lệnh.

Giờ nhiều người mới manh nha hiểu vì sao mọi nhãn hàng hay những kẻ lừa đảo luôn “đọc” được ý nghĩ của mình, thậm chí nhiều thứ còn ghê gớm hơn mà chủ nhân của những chiếc điện thoại thông minh là chúng ta vẫn chưa thể biết hết được.

Tôi đọc được ở đâu đó một lời khuyên khá bi hài, đó là hãy lấy miếng băng dính dán kín cái micro điện thoại của bạn lại, cho nó khỏi... nghe lén! Điều đó có nghĩa mọi thứ chìa khóa giữa thời đại số này, dù thực hay ảo, tinh vi đến đâu cũng đều vô ích.

Tất cả là ở chính tư duy, thái độ, tầm suy xét và ứng xử của mỗi người mà thôi. Làm sao vẫn giữ được những gì riêng tư mà không cần phải khóa.