Sky News đưa tin, lãnh đạo phe đối lập kiêm cựu Thủ tướng của chính quyền Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, ông Morgan Tsvangirai, đã lên máy bay từ Nga trở về nước, cùng với hai cựu bộ trưởng khác, vào thứ Năm (16/11).
Động thái này diễn ra sau khi Lực lượng Phòng vệ Zimbabwe (ZDF) phong tỏa thủ đô Harare, “giam lỏng” vị tổng thống 93 tuổi tại tư gia vào đầu ngày thứ Tư (15/11).
Trong khi thế giới đánh giá đây là một vụ đảo chính, ZDF kiên quyết phủ nhận, thay vào đó tuyên bố đang truy quét tội phạm quanh tổng thống, đồng thời khẳng định ông Mugabe “an toàn”.
Ông Tsvangirai không phải là cựu lãnh đạo lưu vong duy nhất trở về nước sau cuộc chính biến. Hôm 15/11, cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa (75 tuổi), người được mệnh danh là “Cá sấu” vừa bị ông Mugabe sa thải hồi đầu tháng này, cũng đã trở lại và được giao tạm nắm quyền lãnh đạo trong thời gian “chuyển giao quyền lực không đổ máu”.
Sự trở về của hai cựu quan chức cấp cao làm dấy lên làn sóng tranh luận trong dư luận châu Phi nói riêng và cả thế giới nói chung: Quyền lực sẽ rơi vào tay ai.
Trong khi, ông Tsvangirai là nhân vật chủ chốt của phe đối lập. Ông Mnangagwa lại nhận được sự đánh giá tích cực từ đảng Mặt trận Yêu nước thống nhất quốc gia châu Phi Zimbabwe (Zanu-PF) cầm quyền.
Trước khi bị trục xuất, ông Mnangagwa từng là thân tín của Tổng thống Mugabe suốt hơn 40 năm, và được xem là ứng viên sáng giá kế nhiệm ông Mugabe. Tuy nhiên, vị phó tổng thống đã thất bại trong cuộc chiến dai dẳng với Đệ nhất Phu nhân Grace Mugabe, thường có tham vọng đứng đầu quốc gia Đông Phi, theo FT.
Dẫu vậy, một số chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại nếu ông Mnangagwa lên nắm quyền, bởi đó có thể là một chính quyền độc tài không kém so với thời của ông Mugabe.
Vị cựu Phó Tổng thống Zimbabwe từng bị cáo buộc gây ra vụ thảm sát các đối thủ chính trị của Zanu-PF vào những năm 1980, có tên "Gukurahundi", khiến hàng ngàn thường dân thuộc dân tộc Ndebele thiệt mạng. Các đảng đối lập cũng buộc tội ông hỗ trợ tổ chức bạo lực liên quan đến cuộc bầu cử và điều tra thăm dò sự ủng hộ đối với ông Mugabe vào năm 2008. Ông Mnangagwa phủ nhận tất cả các cáo buộc trên.
Hiện tại, chính trị ở Zimbabwe đang trong tình trạng bất ổn. Quân đội vẫn kiểm soát chặt chẽ thủ đô Harare, bao gồm cả chính quyền trung ương và cơ quan phát thanh truyền hình nhà nước chính của đất nước.
Ảnh: AP
Quân đội Zimbabwe đang kiểm soát thủ đô Harare. Ảnh: Reuters