Bệnh viện Đại học Y Hà Nội:

Cứu sống hy hữu bệnh nhân ngừng tuần hoàn

TP - Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) vừa cứu sống bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp hiếm gặp, biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng. Trên thế giới, những trường hợp tương tự tỉ lệ tử vong rất cao lên tới 80-90%.
PGS.TS Phạm Đức Huấn (phải) và TS.Hoàng Bùi Hải thăm bệnh nhân H. Ảnh: T.Hà.

Ca bệnh hi hữu

Bệnh nhân là Nguyễn Thị H (47 tuổi, Bắc Giang) được cắt u xơ tử cung nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân đã bắt đầu tập đi lại, nhưng đột ngột rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn, ngừng tim. Sau một giờ đồng hồ liên tục được các bác sĩ ở đây cấp cứu hồi sức tích cực, bệnh nhân bắt đầu có tim đập trở lại. Tiên lượng bệnh nhân chỉ còn ít cơ hội sống sót nhưng các bác sĩ và gia đình vẫn quyết tâm “còn nước còn tát”.

Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, tụt huyết áp, suy nhiều tạng, phải thở máy, dùng thuốc nâng huyết áp liều cao.

Nguyên nhân ngừng tuần hoàn sau mổ sơ bộ nghĩ đến tắc động mạch phổi cấp, nhưng tình trạng bệnh nhân quá nặng các bác sĩ cũng không thể chuyển bệnh nhân đi chụp cắt lớp vi tính để xác định chẩn đoán được. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực và lọc máu liên tục để duy trì chức năng sống. Đến ngày thứ hai trong sự cố gắng không mệt mỏi, các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) đã đưa bệnh nhân về trạng thái có thể chấp nhận để chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi.

Đúng như suy nghĩ ban đầu của các bác sĩ, cả hai động mạch phổi phải và trái của bệnh nhân đều bị tắc bởi cục máu đông, ngoài ra còn có đông đặc phổi, và tràn khí màng phổi phải. Nguyên nhân ngừng tuần hoàn của bệnh nhân đã được tìm thấy, hy vọng cho bệnh nhân được nhen nhóm. Sau hội chẩn của các bác sĩ, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) để xem xét dùng thuốc tiêu sợi huyết (tan huyết khối).

“Đây là trường hợp rất hi hữu khi bệnh nhân tắc động mạch phổi cấp có biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng nhưng đã được cứu sống”.

BS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa cấp cứu-hồi sức BV Đại học Y Hà Nội.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân trong tình trạng suy nhiều tạng, huyết áp tụt, tăng men gan, suy thận vô niệu, thở máy, đặc biệt bệnh nhân có rối loạn đông máu phức tạp. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực để nâng huyết áp, oxy máu...tuy nhiên các khả năng đều rất hạn chế khi cục máu đông lớn vẫn làm tắc hai động mạch phổi.

Qua hội chẩn cùng các giáo sư, đồng nghiệp Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y Hà Nội, TS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực cùng các bác sĩ đã quyết định vẫn dùng thuốc chống đông heparin truyền liên tục theo phác đồ cho bệnh nhân, và truyền thêm máu để tạo khả năng an toàn cho thuốc tiêu sợi huyết. Ngay sau đó bệnh nhân được dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch liều thấp để làm tan cục máu đông và giảm nguy cơ chảy máu.

Điều kỳ diệu đã đến sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, huyết áp bệnh nhân tăng dần lên, oxy máu cải thiện, tiểu tiện được, không phải lọc máu nữa. Đặc biệt, bệnh nhân không hề bị chảy máu ở bất cứ vị trí nào cho dù nguy cơ chảy máu là rất cao. Sau 7 ngày được hồi sức tích cực, với sự quan tâm của các thầy thuốc bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Khoa Cấp cứu A9 Bạch Mai, và đặc biệt của các nhân viên khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, cũng như các chuyên gia khác của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân đã ổn định chức năng sống, được cắt thuốc nâng huyết áp, bỏ thở máy, rút ống nội khí quản, tri giác hoàn toàn bình thường.

Thế giới, tỷ lệ tử vong 80-90%

TS. Hoàng Bùi Hải cho biết, trong quá trình nghiên cứu và thực hành khám chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân bị tắc động mạch phổi thì đây là trường hợp rất hi hữu khi bệnh nhân tắc động mạch phổi cấp có biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng nhưng đã được cứu sống.

Thành công này nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn, kiên trì giữa bác sĩ ở các bệnh viện để duy trì được chức năng sống, rút ngắn thời gian chẩn đoán, điều trị kịp thời, trong đó có sử dụng thuốc tiêu huyết khối. Trên thế giới, 80-90% bệnh nhân tắc động mạch phổi tử vong khi đã ngừng tuần hoàn, suy đa phủ tạng. Vì thế, đây được xem là một ca bệnh để các bác sĩ hồi sức cấp cứu có thêm niềm tin trong xử trí.

PGS.TS. Phạm Đức Huấn, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đánh giá: “Thành công của ca bệnh là niềm vui cho bệnh nhân và gia đình nhưng cũng là động lực cho các bác sĩ nâng cao tay nghề vì căn bệnh này đòi hỏi trình độ chuyên sâu của thầy thuốc cũng như hệ thống trang thiết bị hỗ trợ hiện đại”. PGS.TS. Phạm Đức Huấn đã đến tận giường bệnh để tặng hoa và quà cho bệnh nhân đặc biệt này. Ngày 5/1, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định và sẽ tái khám sau 1 tháng.