Cựu quan chức Mỹ nhận định Ukraine khó có khả năng giành chiến thắng

TPO - Mỹ và các đồng minh nên thuyết phục Ukraine đàm phán với Nga, một cựu quan chức Mỹ nhận định.

Hugh De Santis, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người giám sát Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hoạch định chính sách kiểm soát vũ khí dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, cho rằng Ukraine sẽ không thể giành chiến thắng trước Nga, và Washington phải thuyết phục Kiev đàm phán với Mátxcơva để chấm dứt xung đột.

“Việc đánh bại các lực lượng Nga trên chiến trường và giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine sẽ là đòn giáng mạnh đối với chiến dịch của Mátxcơva”, ông De Santis viết trong một bài báo. “Nhưng liệu việc đó có xứng đáng để máu tiếp tục đổ ở Ukraine, gia tăng khả năng làm bùng phát một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, trong đó vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc hóa học có thể được sử dụng, làm gián đoạn thêm nền kinh tế thế giới và sự phân cực mới của châu Âu?”

Theo ông De Santis, câu trả lời cho câu hỏi này là không.

“Chiến thắng của quân đội Ukraine không phải là một phương án khả thi. Và một kết quả dựa trên thương lượng là mục tiêu thực tế duy nhất.”

Do đó, “Mỹ và các đồng minh phải thuyết phục Kiev chấm dứt cuộc xung đột này và phải áp đặt giới hạn đối với việc tiếp tục viện trợ quân sự để làm bước đệm”, ông De Santis đề xuất.

Washington đã tích cực hỗ trợ Kiev trong suốt cuộc xung đột, cung cấp vũ khí, ngân quỹ và thông tin tình báo cho Ukraine. Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua gói viện trợ trị giá 40 tỷ đô la cho Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky và "những người ủng hộ ông ở Đông Âu cùng các nước Baltic" nên chấp nhận thực tế rằng Ukraine sẽ trở thành một quốc gia trung lập và sẽ phải công nhận Donbass và Crimea thuộc Nga để các cuộc đàm phán hòa bình đạt được thành công, ông De Santis chỉ ra.

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây cũng xác định đàm phán là phương án ưu tiên để giải quyết xung đột khi các lực lượng Nga tiếp tục tiến công vũ bão ở Donbass.

Tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley, nói rằng “thương lượng là một lựa chọn hợp lý, nhưng cả hai bên phải tự đi đến kết luận”.

Cùng lúc đó, người đứng đầu cơ quan đối ngoại của EU - Josel Borrell cũng thúc giục khối này tăng cường giao vũ khí cho Ukraine và áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng ông giải thích rằng việc này cần được làm để giúp Kiev củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán hoà bình tương lai với Mátxcơva. Mới trước đó một tháng, ông Borrell từng đưa ra quan điểm trái ngược khi nhấn mạnh rằng “Ukraine phải giành chiến thắng trên chiến trường”.

Theo RT