Giảm án cho cựu Bộ trưởng
Sau 3 ngày phúc thẩm, chiều 17/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo, giảm án cho cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long còn 17 năm tù. Ở phiên sơ thẩm, ông bị TAND TP Hà Nội phạt 18 năm tù tội "Nhận hối lộ".
Tòa phúc thẩm nhận xét, ông Long biết rõ sản phẩm kit test là đề tài nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước song vẫn chấp nhận đăng ký lưu hành, hiệp thương giá cao, tạo điều cho Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt được sản xuất, buôn bán, hưởng lợi bất chính số tiền lớn.
Quá trình "thông đồng" với Phan Quốc Việt, ông Long nhiều lần nhận hối lộ hơn 2,25 triệu USD. Cựu Bộ trưởng còn "tác động" lãnh đạo, cán bộ y tế một số địa phương mua kit test.
"Đến nay số tiền nhận hối lộ bị cáo đã khắc phục, tại tòa phúc thẩm, gia đình nộp thêm 1 tỷ đồng, xét nhân thân bị cáo tốt, là Giáo sư, Tiến sĩ y khoa có nhiều thành tích trong công tác... HĐXX nhận thấy cần giảm một phần hình phạt để bị cáo an tâm cải tạo", bản án nêu.
Ngoài ông Long, tòa cũng chấp nhận kháng cáo, giảm cho ông Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) còn 6 năm 3 tháng tù (sơ thẩm 7 năm tù); Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) còn 12 năm tù (sơ thẩm 13 năm tù). Lý do, hai bị cáo cung cấp được thêm tình tiết mới, có thành tích trong công tác, tự nguyện nộp thêm tiền giúp Phan Quốc Việt khắc phục hậu quả.
Riêng hai bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên CDC Bình Dương) và bị cáo Ngụy Thị Hậu (cựu phó phòng thuộc CDC Bắc Giang), được cấp phúc thẩm đổi từ án tù giam sang tù treo.
Đối với trường hợp ông Trần Thanh Phong (cựu Phó phòng Tài chính CDC tỉnh Bình Dương) kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự, HĐXX nhận thấy cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên bị cáo án treo.
Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, bị cáo tiếp tục được Viện kiểm sát cấp cao đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, tòa do đó chấp nhận kháng cáo của ông Phong. Việc chấp thuận kháng cáo thể hiện tính khoan hồng của pháp luật với bị cáo phạm tội nhưng có công, không hưởng lợi vật chất.
Trước đó, nêu quan điểm bào chữa, luật sư của bị cáo Trần Thanh Phong cho rằng, thân chủ chỉ tiếp nhận chỉ đạo và chấp hành theo yêu cầu của ông Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC tỉnh - người được miễn trách nhiệm hình sự ở phiên sơ thẩm). Sai phạm của ông Phong diễn ra vì tình thế cấp bách trong bối cảnh dịch COVID-19 thiếu kit test, ông cũng không vụ lợi cá nhân mà thực hiện công việc vì mục tiêu chung.
Tòa sơ thẩm tuyên ông Phong 24 tháng tù, cho hưởng án treo nhưng vì bối cảnh phạm tội "chưa từng có trong tiền lệ", luật sư mong HĐXX cân nhắc.
Đối đáp lại ý kiến bào chữa của luật sư, đại diện Viện kiểm sát đã chấp nhận, đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phong. Đồng thời, thay đổi quan điểm đề nghị chấp nhận kháng cáo chuyển từ án tù giam sang tù treo cho bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên và Ngụy Thị Hậu.
Với Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á), tòa cấp cao bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo tòa, Việt phạm tội xuyên suốt vụ án, bị cáo "thông đồng" với Trịnh Thanh Hùng (Vụ trưởng) và lãnh đạo Bộ KH&CN để đánh bóng tên tuổi Công ty Việt Á; "thông đồng" với lãnh đạo Bộ Y tế cấp phép lưu hành, hiệp thương giá kit.
Bị cáo còn "móc nối" với các đơn vị CDC, lãnh đạo tỉnh, thành phố đấu thầu kit test; đưa hối lộ nhiều lần.
"Xét nhân thân bị cáo có công trong phòng, chống dịch; được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen; nộp thêm 200 triệu đồng khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng; là người lãnh đạo, chỉ đạo các đồng sự tại Công ty Việt Á gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước nên không có cơ sở giảm nhẹ thêm", HĐXX nhận xét.
Cùng với Việt, tòa cấp cao không chấp nhận kháng cáo của ông Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ KH&CN); Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á) cùng hai bị cáo khác.
Bác kháng cáo đòi tiền của mẹ và vợ Phan Quốc Việt
Đối với kháng cáo dân sự đòi lại sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỷ đồng của bà Đàm Thị Trịnh (mẹ của Phan Quốc Việt) và Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt), tòa phúc thẩm cho rằng khoản tiền này có được trong thời gian Việt phạm tội nên cần tiếp tục phong tòa nhằm đảm bảo công tác thi hành án.
Công ty Việt Á kháng cáo đề nghị được gỡ phong tòa tài khoản để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động cũng bị tòa bác bỏ. Việc đòi nợ tiền mua kit test của công ty với một số đơn vị không thuộc thẩm quyền giải quyết trong vụ án này, không thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐXX.
Hồ sơ vụ án xác định khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để ứng phó, trong đó có giao cho Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Để được tham gia vào đề tài Phan Quốc Việt đã móc nối nhiều cựu quan chức nhằm đưa hối lộ hàng trăm tỷ đồng để Công ty Việt Á tham gia vào đề tài nghiên cứu kit test, được hiệp thương giá và cấp đăng ký lưu hành, sản xuất thương mại.
Cụ thể, Việt hối lộ cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD; Trịnh Thanh Hùng hơn 8 tỷ đồng; biếu Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng KH&CN) 200.000 USD; biếu Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) 100.000 USD...
Năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước hơn 8,3 triệu kit. Doanh nghiệp này được thanh toán hơn 4,5 triệu kit xét nghiệm với tổng số tiền 2.250 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định Công ty Việt Á bỏ ra gần 365 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu, cộng với các loại chi phí khác, thuế và lợi nhuận 5%, giá thành sản xuất 1 kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng. Tuy nhiên, Công ty Việt Á đã nâng giá khống lên gấp nhiều lần và được phía Bộ Y tế chấp thuận hiệp thương giá, để bán ra thị trường mức 470.000 đồng/1 kit xét nghiệm.
Kết quả, Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng.