Ngày 24/4, tại TAND TP Hà Nội, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố được trình bày quan điểm xử lý 10 bị cáo trong vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM).
Phía truy tố giữ quan điểm thể hiện, trước đây, Tổng Cty Bia rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là doanh nghiệp nhà nước và sau đó là công ty cổ phần có vốn nhà nước. Doanh nghiệp này được sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM). Sabeco đã thành lập liên doanh nhằm xây dựng tòa nhà khách sạn, văn phòng tại khu đất này và được UBND TP.HCM chấp thuận.
Năm 2012, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Tuy nhiên, bị cáo Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương và cấp dưới bỏ qua yêu cầu này khi tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư xây dựng tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Vì vậy, liên doanh Sabeco Pearl được thành lập nhằm xây dựng tại khu đất số 2-4-6 trong đó Sabeco giữ 26% vốn; còn lại thuộc các công ty tư nhân gồm Attland (23%), Hà An (25,5%), Mê Linh (25,5%). Cơ quan truy tố cho rằng, các bị cáo đã đem quyền sử dụng khu đất số 2-4-6 để liên doanh đầu tư, thực hiện dự án nhưng không tiến hành định giá theo quy định để tính vào vốn góp của Sabeco.
Đến năm 2015, bị cáo Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HMC phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất số 2-4-6 là hơn 997 tỷ đồng. Sabeco Pearl đã nộp số tiền này đồng thời xin bổ sung chức năng officetel và căn hộ ở tại dự án.
Đến năm 2016, các Cty Hà An, Attland và Mê Linh cùng ký văn bản kiến nghị Sabeco thoái toàn bộ vốn tại Sabeco Pearl. Bộ Công Thương đồng ý việc này nên Sabeco bán toàn bộ cổ phần tại liên doanh với giá 196 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá thực tế số cổ phần này khoảng 465 tỷ đồng vì dự án được cấp phép thêm chức năng căn hộ ở.
Như vậy, khu đất số 2-4-6 từ tài sản nhà nước do Sabeco quản lý bị chuyển sang sở hữu tư nhân. Phía truy tố cho rằng khu đất này có giá hơn 3.816 tỷ đồng và việc chuyển nhượng khiến Nhà nước bị mất 2.713 tỷ đồng.
Đánh giá các bị cáo, kiểm sát viên cho rằng họ là những người giữ vị trí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở Bộ Công thương hoặc TP.HCM và có trình độ, hiểu biết trong lĩnh vực công tác.
Tuy nhiên, vì động cơ khác nhau, các bị cáo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài; cố ý vi phạm quy định về quản lý tài sản, đất đai của nhà nước.
Vì vậy, quyền quản lý, sử dụng khu đất rộng 6.080m2 tại số 2-4-6 đã bị dịch chuyển vào tay tư nhân, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với số tiền 2.713 tỷ đồng. Việc này gây bức xúc trong xã hội và suy giảm niềm tin của nhân dân.
Cũng theo kiểm sát viên, các bị cáo dùng thủ đoạn lấy đất nhà nước góp vốn liên doanh rồi lại thoái vốn và quá trình này không minh bạch; vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần xử lý nghiêm các bị cáo.
Mức án đại diện viện kiểm sát đề nghị phạt các bị cáo:
Tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”:
1. Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương từ 10-11 năm tù.
2. Phan Chí Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ từ 7-8 năm tù.
Tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”:
1- Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM từ 5-6 năm tù.
2- Lâm Nguyên Khôi - nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM từ 4-5 năm tù.
3- Đào Anh Kiệt - nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM từ 4-5 năm tù.
4- Lê Văn Thanh - nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM từ 3-4 năm tù.
5- Lê Quang Minh - nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở KH&ĐT TP.HCM từ 3-4 năm tù.
6- Nguyễn Thanh Chương - nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM từ 3-4 năm tù.
7- Trương Văn Út - nguyên Phó phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM từ 3-4 năm tù.
8- Nguyễn Lan Châu - nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất từ 2-3 năm tù.