Cuối tháng tám, Cty Bình An sẽ giao nhà máy nếu không trả nợ

TP - Sáng 12-8, ông Trần Văn Trí và một số chủ nợ “đại gia” đã thỏa thuận, cử ông Lê Văn Chiến (ở Cờ Đỏ, Cần Thơ) đại diện để quản lý nhà máy của Công ty Bình An, nếu hết tháng 8, các ngân hàng không thỏa thuận được với nhau những liên quan để có giấy phép mới.

> Đòi nợ Công ty Bình An gây lộn xộn kéo dài

Hay nói cách khác, nếu Cty Bình An không trả được nợ cho người nuôi cá vào cuối tháng tám, các chủ nợ tiền cá sẽ tiếp quản nhà máy này.

Ngày 12-8, sau 13 ngày chăng biểu ngữ hô khẩu hiệu trước nhà vợ chồng ông Trần Văn Trí và bà Phạm Thị Diệu Hiền ở Cần Thơ, để đòi nợ tiền cá Công ty Bình An, nhóm chủ nợ đã rút.

Ngày 21-6, tại Hà Nội, ông Trí cùng TGĐ Công ty Mua bán nợ Phạm Thanh Quang và TGĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê ký biên bản thỏa thuận nguyên tắc trả nợ.

Trong đó, SHB sẽ trở thành cổ đông chính trong giấy phép mới của Công ty Bình An, để xuất tiền trả nợ.

Ngày 29 và 30-6, ông Lê cùng ông Trí đến Sở KH-ĐT TP Cần Thơ làm giấy phép mới nhưng không được, vì vướng 25 triệu cổ phiếu của bà Diệu Hiền.

Vài năm trước, bà Diệu Hiền đã đem 25 triệu cổ phiếu thế chấp, cầm cố, sang nhượng cho 5 ngân hàng và doanh nghiệp.

Trong đó, với một ngân hàng và một doanh nghiệp mà nay thuộc SHB, đã được SHB xử lý xong. Còn thế chấp cho VDB Khu vực Cần Thơ - Hậu Giang, ngân hàng khu vực yêu cầu SHB bảo lãnh nợ vay.

Ngày 4-7, TGĐ VDB Nguyễn Quang Dũng có công văn đồng ý chuyển nợ của Công ty Bình An thành vốn góp sau này, nghĩa là thống nhất thực hiện tái cơ cấu nợ để có tiền trả nợ cá trước, nhưng Phòng đăng ký kinh doanh của Sở KH-ĐT Cần Thơ không chấp nhận.

Ngày 26-7, SHB và VDB cùng ông Trí ký thỏa thuận SHB sẽ bảo lãnh nợ tại VDB, thì xuất hiện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Sở giao dịch 2 cũng yêu cầu bảo lãnh nợ.

Tiếp đó, ngày 6-8, lại có công văn của Ngân hàng TMCP Á Châu-Chi nhánh Cần Thơ đòi bảo lãnh, vẫn liên quan 25 triệu cổ phiếu.

Theo Báo giấy