Cuối năm sốt đất nghĩa trang

Nhà đất cho người sống đóng băng, nhưng cuối năm mua chỗ cho "người âm" thì ở nhiều nơi có tiền cũng khó tìm chỗ.

Cuối năm sốt đất nghĩa trang

> Bỏ tiền tỷ mua đất xây mộ
> Nhà cõi âm bạc tỷ: Xu hướng của đại gia

Nhà đất cho người sống đóng băng, nhưng cuối năm mua chỗ cho "người âm" thì ở nhiều nơi có tiền cũng khó tìm chỗ.

Trong khi thị trường nhà đất dành cho "người dương" ảm đạm, đóng băng, đua nhau giảm giá để kích thích người mua, giải phóng hàng tồn thì đất phần mộ cho người đã qua đời lại có nhiều giao dịch. Ảnh: H.A.

Quản lý nghĩa trang xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) - ông Phạm Văn Toại - cho biết, giá đất rẻ nhất để xây một ngôi mộ là 10 triệu đồng, nhưng phải là chỗ quen biết hoặc "người trong làng" mới mua được.

"Là người lạ, có tiền chưa chắc đã mua được vì muốn bán còn phải hỏi ý kiến các bô lão trong làng", ông Toại tiết lộ và cho biết thêm, khách hỏi mua đất chủ yếu là người tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp và sinh sống muốn đưa mộ tổ tiên, người thân lên cùng để tiện hương hỏa chăm sóc.

Còn người quản trang tại nghĩa trang Quán Dền (quận Thanh Xuân) nói thẳng, nếu không phải người làng hoặc không có người quen thì dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được một suất đất xây mộ.

"Từ giữa năm đến giờ, chúng tôi đã từ chối không biết bao nhiêu người rồi", ông này nói thêm.

Với những người có nhu cầu mua đất xây mộ, thời điểm này không dễ tìm được một nơi ưng ý. Anh Nguyễn Thịnh, nhà ở Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, từ tháng 9 âm lịch đã bỏ công đi tìm nơi an nghỉ để "đổi áo" cho ông bà ở nội thành nhưng chưa được.

Lý do là, các nghĩa trang gần nội thành đã gần như quá tải, trong khi những điểm ở ngoại thành giá cao, nhưng cũng khó mua đất. Tìm không được, cuối cùng anh Thịnh phải mua một phần đất ở nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng (ở huyện Ba Vì) do sạch đẹp, lại có người chăm sóc thường xuyên.

Còn chị Nguyễn Thu An nhà ở Thái Hà (quận Đống Đa) cũng tiết lộ vừa mua 15 mét vuông đất nghĩa trang ở Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) với giá gần 150 triệu đồng.

Chị kể, chồng mất vì tai nạn, tính sẽ cất mộ vào cuối năm sau nên mua sớm để an tâm. Chị An cũng không ngần ngại thừa nhận, đã mua sẵn cho mình một chỗ để sau này được "nằm cạnh" chồng, dù năm nay chị mới hơn 40 tuổi.

Thừa nhận cuối năm, thị trường bất động sản cho "người âm" rất sôi động, ông Trần Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu - chủ đầu tư công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên cho biết, thời điểm "xôm" nhất là từ tháng 8 âm lịch đến cận Tết nguyên đán.

"Có người không ngần ngại bỏ ra hàng tỷ đồng để mua đất mộ cho cả gia tộc. Giá đất ở Lạc Hồng Viên dao động 7-15 triệu đồng/m2 tùy vị trí, độ cao, hướng...", ông Tuấn Anh cho biết, đồng thời hé lộ điểm khác biệt giữa mua đất cho "người âm" so với "người dương" là không qua trung gian, mất tiền chênh mà luôn tậu được với giá gốc.

Công viên nghĩa trang này có 6 khu đồi gồm ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và Tượng Phật. Đất ở đồi Tượng Phật đắt nhất với giá lên tới 15 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ đầu tư nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng ở Ba Vì thì chia sẻm, giá đất mộ tại đây dao động từ 6 đến 12 triệu đồng/m2 tùy hướng, vị trí.

Hiện tại, khu phân lô những mộ rộng 100 mét vuông đã hết hàng, chỉ còn phần mộ nhỏ với giá 12 triệu đồng/m2.

Càng cuối năm, nhu cầu mua đất phần mộ của khách càng nhiều và theo ông Thản, mỗi tuần có hàng chục lượt người đến hỏi mua.

Chia sẻ quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, mô hình công viên nghĩa trang tuy còn khá mới lạ ở nước ta nhưng ở nhiều nước trên thế giới đã khá phổ biến.

“Người dân Việt Nam rất coi trọng vấn đề tâm linh, nhất là mồ mả ông bà, tổ tiên.

Theo tôi, những mô hình công viên nghĩa trang sạch, đẹp, văn minh cần được nhân rộng.

Tại những công viên nghĩa trang ở nước ta đều có những dịch vụ chăm sóc nhang, hoa rất cẩn thận cho người quá cố”, ông Dương Trung Quốc nói.

Theo Hoàng Anh
Infonet

Theo Đăng lại