> Cần 'phẫu thuật, cắt bỏ' chỗ đau!
> Kích cầu để giải nợ xấu
Nhiều rủi ro
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2013” do Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 11/7, từ nay cho tới cuối năm, những thay đổi đột biến trong nền kinh tế ít có khả năng xảy ra. Dự báo, với việc giữ lạm phát ở mức 2,4%, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây, lạm phát cả năm sẽ giảm đôi chút so với dự báo cách đây 5-6 tháng và sẽ chỉ ở mức 6-7%.
Tuy nhiên, dù đạt được một số mục tiêu quan trọng trong 6 tháng qua, song nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro trong các tháng cuối năm. Hàng loạt “điểm nghẽn” của nền kinh tế hiện chưa được giải quyết như: doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, nợ xấu còn cao, hàng tồn kho sản xuất và bất động sản chưa có lối thoát rõ ràng...
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) phân tích: nhiều chỉ số cho thấy, tồn kho sản phẩm 6 tháng cuối năm 2013 có khả năng sẽ tăng cao như từng xảy ra năm 2012 và tiếp tục trở thành lực cản lớn với mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
“Do tổng cầu còn chưa sớm hồi phục, cho nên biên độ tăng có thể không cao và không dồn dập, dự báo có khả năng CPI sẽ đạt mức từ 6,2 đến 6,5% so với cuối năm 2012. Lạm phát ở mức 7%-7,2% ít có khả năng xảy ra”.
Ông Vũ Vinh Phú nói.
Cùng đó, dù kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu đều tăng, song tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu, do vậy cán cân xuất nhập khẩu đã ở trạng thái thâm hụt. Với xu hướng này, tới cuối năm, mức độ thâm hụt cán cân thương mại nhiều khả năng sẽ có quy mô lớn hơn. Điều này sẽ tác động tới tăng tỷ giá và lạm phát.
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, từ nay đến cuối năm còn nhiều yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón có thể tăng giá. Cùng đó, giá thực phẩm có thể tăng do nguồn cung đang có xu hướng giảm trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. ”Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2013 trong khoảng 6,5%-7%. Với diễn biến hiện tại, tăng trưởng GDP sẽ khoảng 5,1-5,2%. Đây là mức tăng trưởng hợp lý”, ông Long phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú nhận định, nếu các mặt hàng, dịch vụ quan trọng như điện, gas, xăng dầu, nước sạch tăng trong những tháng tới, chắc chắn giá cả sẽ biến động phức tạp.
Cẩn trọng với kích cầu
Trao đổi với PV Tiền Phong, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, TS Võ Trí Thành cho rằng, dù 6 tháng đầu năm lạm phát tăng rất thấp nhưng rủi ro bất ổn kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm vẫn còn nếu nhìn tổng thế dưới góc độ cân đối vĩ mô, dưới góc độ hệ thống tài chính, ngân hàng.
Theo ông Thành, không nên có sự nới lỏng hoặc đưa ra một chính sách kích cầu có tính ồ ạt như năm 2009. Điều cần làm hiện nay là thực hiện mạnh mẽ những giải pháp liên quan tới Nghị quyết 02. Cùng đó tập trung vào các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất, xử lý nợ xấu để doanh nghiệp tiếp cận được vốn tốt hơn.
Việc thực hiện tốt các chính sách liên quan đến miễn, giãn giảm thuế, tăng thêm đầu tư vào kết cấu hạ tầng qua phát hành trái phiếu và việc thực hiện mạnh mẽ hơn gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp có thể mua được nhà sẽ là những cú hích tốt đối với nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
“Một số giải pháp nữa có thể áp dụng để đẩy mạnh tăng trưởng là phát hành trái phiếu, nhưng phải nằm trong tính toán với vĩ mô và đầu tư công, nợ công. Ngoài ra, cần có những biện pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn ODA. Lượng tiền ODA chưa giải ngân được hiện còn rất rất lớn”, ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Ngô Trí Long cho rằng, cần cẩn trọng với việc thực hiện các biện pháp kích cầu trong những tháng cuối năm trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Nền kinh tế nước ta tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn và lao động, do đó, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng vẫn cần tổng đầu tư không thể dưới 30% GDP.
“Để đạt được tăng trưởng cao, Ấn Độ và Trung Quốc phải đầu tư hơn 40% GDP. Do đó, để đạt mức tăng trưởng GDP 5,5%, cần có những gói hỗ trợ lớn, kích cầu mạnh. Tuy nhiên, việc này sẽ kéo theo những vấn đề khác do kinh tế Việt Nam có những đặc thù riêng, không giống các nước khác trên thế giới”, ông phân tích.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần nghiêm túc xem xét lại mô hình kinh tế trong thời gian qua và sớm định hướng một mô hình mới cùng những giải pháp phù hợp. Nếu không có các cuộc cải cách sẽ không có mục tiêu thực sự và Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển trong tương lai.