Ngay lập tức, tôi gọi thêm mấy em đoàn viên trong xã, lấy chiếc xe dream phi vội qua con đường lầy. Đường vào Bản Khoéc cách xã chỉ khoảng 7km đường chim bay nhưng chúng tôi phải mất hơn một tiếng để di chuyển do đường lầy, khó đi. Mấy chị em thay nhau đổi tay lái mới có thể vào đến bản.
Trước mắt chúng tôi, những mái nhà bị gió tốc, đất sạt vào nhà, chuồng trại của bà con dựng tạm đang xập xệ, hoa màu bị vùi lấp… Bà con ở đây ai nấy cũng thất thần, chân tay run lẩy bẩy phần vì hoảng loạn, phần vì xót của, rồi không biết lại phải bắt đầu từ đâu.
Chúng tôi, mỗi người một tay, cùng nhau sửa chữa lại những mái nhà bị gió tốc, sửa chữa chuồng trại cho các hộ dân, đào đất lấp vào sàn nhà, vệ sinh môi trường, nạo vét bùn đất, khơi thông cống rãnh… Những tuyến đường bị cô lập giữa các thôn cũng được những tình nguyện viên và bà con khắc phục.
Bình thường, cuộc sống của người dân nơi đây đã cơ cực (tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn chiếm khoảng 70%), mỗi khi thiên tai xảy đến, họ đã khó khăn lại càng chồng chất khó khăn.
Với những cán bộ Đoàn, ĐVTN ở miền biên viễn, không chỉ chờ đến phát động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè hay Mùa hè xanh mới "kích hoạt" tinh thần tình nguyện. Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường buộc người dân nơi đây phải thích ứng và buộc chúng tôi luôn phải có tinh thần sẵn sàng lên đường hỗ trợ.
Và với những người dân như ở Bản Khoéc, cuộc điện thoại kêu gọi nhờ hỗ trợ đầu tiên, là chúng tôi. Vì thế, sức trẻ nơi đây luôn thường trực, đều sẵn sàng xắn tay lên đường hỗ trợ theo phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương).
(Chị Đặng Thị Thương - Bí thư Đoàn xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)