Mong ước làm giàu từ con chuột
Dúi là họ nhà chuột, thức ăn ưa thích của chúng là tre, trúc, nên còn được gọi là chuột tre. Người Cao Lan vùng Sơn Động (Bắc Giang) gọi chúng là con đũn.
Người Cao Lan xưa kia sống ở trong rừng, cạnh các con suối. Giờ đây, rừng thu hẹp, quanh bản là những đồi keo, bạch đàn, nương ngô. Tuy nhiên, những khu rừng tre trúc mọc ken dày, đầy gai góc vẫn còn rải rác quanh làng bản, đến tận rừng sâu. Tre trúc là loài mọc khỏe, lại là món ăn ưa thích của loài chuột tre.
Chuột tre, tức dúi, dùng hàm răng sắc như dao của mình, gặm vài nhát thì đổ cây trúc, rồi chúng dùng răng “cưa” cây tre trúc thành từng đoạn, kéo vào hang vừa gặm ăn, vừa mài bộ răng mỗi ngày dài ra cả centimet của mình.
Xưa kia, khi con người còn ít, dúi nhiều, thì những khu rừng tre, trúc xác xơ, bởi loài vật này cắt tre trúc đổ ra liệt. Nhiều khi, chúng cắn đổ cây tre, chỉ để ăn một đoạn bánh tẻ dài cỡ gang tay ở gốc. Nhưng giờ, loài người săn bắt tận diệt, thì loài chuột này ngày một ít đi, tre trúc lại mọc rậm rạp hơn. Những con dúi cuối cùng còn sống trong rừng, cũng tinh khôn hơn, trốn sâu vào rừng hơn, để trốn tránh con người.
Là loài chuột, nên dúi đẻ rất khỏe. Mỗi năm dúi cái đẻ 4 lứa, mỗi lứa 2 đến 6 con. Dúi cái thường chọn dúi đực để kết đôi, như các loài vật khác. Dúi cái mang bầu thì nó đuổi con đực đi, rồi đẻ và nuôi con một mình.
Ở Việt Nam có tới 4 loại dúi khác nhau, gồm dúi nâu, dúi mốc nhỏ, dúi mốc lớn, dúi má vàng. Ở phía Bắc, loài chuột này nặng từ 5 lạng đến 2kg. Hiếm hoi có con già, sống lâu năm nặng tới 2,5kg. Tuy nhiên, ở Tây Nguyên, loài chuột tre có kích cỡ khổng lồ, nặng 5-6kg, to như một con chó. Loài dúi ở Tây Nguyên dùng hàm răng sắc dư dao cắt đứt cả cây tre to bằng cổ chân người lớn để ăn ngon lành.
Như nói ở trên, rừng ngày một cạn kiệt, người ngày một đông, đến loài dúi sinh đẻ khỏe và tinh khôn như chuột vẫn ngày một hiếm, nên chỉ những con dúi tinh khôn mới có thể trốn thoát được sự săn lùng của con người. Mà, con dúi trốn ở núi Hươu Gẫy Sừng, thuộc dãy núi nằm ở phía Tây dãy Yên Tử, nêu ở kỳ trước, là một ví dụ.
Cả chục người Cao Lan, là những thợ săn dúi tài ba ở bản Đồng Sim, xã Tuấn Đạo (Sơn Động, Bắc Giang), biết có con dúi trốn ở rừng trúc trên núi này từ lâu, nhưng mất nhiều lần săn lùng mà không thấy được nó. Khi nhóm thợ bắt dúi tìm được nơi nó trú ngụ, thì cuộc đào bới nhiều tiếng đồng hồ diễn ra, đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, mới bắt được nó.
Sau vài tiếng đào bới, với đủ các thiết bị như cuốc, xẻng, thuổng, hang dài tới 6-7m, như đường hào, sâu tới 2m, ngập mất hút đầu người lớn, mà thợ săn Đặng Văn Đông cầm dây leo dài 2m chọc vào hang vẫn mất dạng. Cuộc săn lùng con dúi mất quá nhiều sức, nhưng ai nấy đều muốn thử đấu trí với con dúi khôn lanh chưa từng có này, nên tiếp tục cuộc đào bới.
Nhóm thợ sau khi thay nhau nhảy xuống “hào” xâm sợi dây leo, và cùng thống nhất với phán đoán hướng đi của hang, thì quyết định đào một hố chặn đầu.
Cả núi đất được bới lên, khi cái hố đánh chặn đó nuốt chửng đầu những người thợ săn, thì Đặng Văn Đông gọi tôi chạy xuống hang xem thử. Nhìn vào hang, tôi đã thấy đáy, mà chẳng thấy con dúi đâu. Đông bảo, loài dúi cực kỳ khôn, biết bị săn lùng tấn công, nó đã bới đất lấp hang lại để trốn, và tạo cho kẻ thù biết rằng, hang đã hết mà không có con mồi. Tất nhiên, nó chỉ lừa được loài rắn, còn với loài người, thì nó không lừa được. Cái “vết lấp” lại tố cáo rằng, nó đã cùng đường.
Đúng như lời Đông, móc cái lớp đất chặn hang, thì đã nhìn thấy bộ lông đen của con dúi. Loài vật có bộ răng cực sắc, đớp một cái có thể đứt ngón tay người lớn, nhưng lại cực kỳ nhút nhát, hiền lành, chậm chạp. Thấy người, nó cứ rúc vào, thò cái đuôi ra ngoài. Đông lấy que chọc vào lưng, con dúi hoảng quá, thò đầu, rồi lổm ngổm bò ra.
Cùng là chuột, nhưng dúi lại nhút nhát và chậm chạp. Nó không phi thân chạy thoát như chuột, mà cứ lầm lũi cắm mặt xuống đất, rồi bò ra lò dò chậm chạp như rùa. Thợ săn chẳng phải vội vàng vây bắt gì cả, mà dùng tay cầm đuôi nó nhấc lên. Con dúi béo mầm, cái thân nặng nề chẳng thể tấn công được thợ săn, mà chỉ ngó ngoáy cái đầu kêu khìn khịt.
Như vậy, sau nhiều tháng trời, và cuối cùng, 3 người thợ săn, mất thêm cả ngày tìm kiếm, đấu trí, đào bới, mới bắt được con chuột tre khổng lồ. Loài vật tinh khôn bậc nhất trong họ chuột, với các kỹ năng lẩn trốn đào hang siêu đẳng, cũng không thoát được sự kiên trì của con người.
Thêm một điều thú vị, là dúi mẹ này chỉ đẻ có mỗi dúi con, chuyện rất hiếm trong họ hàng nhà chuột, khi ít nhất chúng thường đẻ 2 con và nhiều nhất là 6 con.
Theo lời anh Đặng Văn Chín, khi có hơi người ám vào dúi con, thì dúi mẹ sẽ không nuôi con nữa, mà cắn chết dúi con. Tuy nhiên, nếu tách dúi con, nuôi nó bằng sữa, thì nó có thể sống được. Người dân ở Sơn Động đã biết săn dúi rừng, thuần hóa chúng, lập trang trại để nhân giống, bán dúi thịt với giá 400 ngàn đồng/kg. Cả nhóm quyết định, đưa mẹ con dúi cái này về nuôi, với hy vọng, đến cuối năm nay, nó sẽ đẻ thêm 2-3 lứa nữa. Nhoáng cái, sang năm, đã có đàn dúi lúc nhúc trong nhà.
Đêm ở bản Cao Lan, sương giăng mờ ảo những dải núi. Câu chuyện hấp dẫn nhất vẫn là những kỹ năng săn thú có từ thuở xưa, đời nọ nối tiếp đời kia, ngấm vào máu mà thành bản năng sống giữa rừng già.
Anh La Văn Nàm nhấp chén rượu bảo: “Ở rừng trúc chỗ xã Thạch Sơn, khả năng có nhiều dúi lắm. Chỗ đó trúc nhiều, toàn trúc to mọc chập trùng dải núi, kiểu gì cũng bắt được vài con”.
Sớm hôm sau, tôi lại dành một ngày, đi xe máy 35km, đến xã Thạch Sơn, nơi núi non bát ngát, giáp với Lạng Sơn, theo chân thợ săn dúi. Vùng đất ấy cách trường bắn quốc gia không xa, ít người ở. Khắp các dải núi đá sỏi gan trâu cứng như thép là hầm hào công sự do bộ đội đào tập luyện. Không ai dám mang súng đến khu vực đó bắn, nên thú về nhiều, dấu chân hươu nai, lợn rừng đầy rẫy. Trong rừng, chỉ có những nhóm người đi đào măng, đào cây chè dại bán sang Trung Quốc, đào dược liệu và đào dúi.
Phải mất cả một ngày, xuyên qua cả chục dải rừng trúc, nơi những vết cắn của dúi đã cũ, hoặc không còn mới, hoặc đã vài ngày, cuối cùng, nhóm săn dúi mới nghe thấy tiếng két két từ xa, tiếng cành lá trúc rung lên xào xạc. “Rừng này có đũn rồi, rõ làng tiếng đũn ăn tre” – anh La Văn Nàm bảo chúng tôi lặng im nghe tiếng dúi ăn. Theo lời anh Nàm, dúi thường ngủ ngày, ăn đêm, tuy nhiên, con dúi này lại mò ra cưa trúc ban ngày để chén, nên dễ dàng “bại lộ thân phận”. Cũng theo anh Nàm, con dúi này có thể đang đào hang mới, nên mới sinh hoạt bừa bãi như vậy. Và, cũng chính vì thế, nên hang động chưa sâu, sẽ bắt dễ dàng.
Theo chân anh Nàm, chúng tôi lần theo hướng có tiếng con dúi đang cưa tre để tiến lại. Những vết cắn, vết mài răng còn mới khắp cánh rừng đã tố cáo nó.
Và, cuối cùng, những dấu tích về hang động ở ngay bụi trúc, nơi con dúi vô tư gặm trúc giữa ban ngày ban mặt, đã chấm dứt những tháng ngày tự do của nó trong rừng già. Chỉ vài phút đào bới, với cái hang nông choèn xuyên bụi tre nhỏ, Đặng Văn Đông đã móc tay vào hang, cầm đuôi con dúi béo mầm lôi ra.
“Đó là con đũn đực, đã trưởng thành, giao phối tốt rồi” – Đặng Văn Đông kết luận như thế. Con dúi sẽ là cặp hoàn hảo với con dúi cái săn được hôm qua, để mong một ngày, sẽ có một chuồng nuôi lúc nhúc những con dúi, mang lại thêm thu nhập cho những người Cao Lan ở bản Đồng Sim.
Thịt dúi giờ là đặc sản. Nhưng, rừng mỗi ngày thêm vắng bóng loài chuột khổng lồ tinh khôn thú vị này. Nhiều nông dân đã giàu lên nhờ con dúi. Những thợ săn người Cao Lan, cũng mong ước một ngày được như vậy.