Cuộc đào tẩu của 'trùm' lừa thiên thạch

Không chỉ xảo quyệt trong những phi vụ lừa mua bán thiên thạch chiếm đoạt cả trăm tỉ đồng, ông trùm Lê Văn Huy còn rất “cáo già” trong quá trình lẩn trốn pháp luật.
Lê Văn Huy tại cơ quan công an - Ảnh: Biên Thảo

Không chỉ xảo quyệt trong những phi vụ lừa mua bán thiên thạch chiếm đoạt cả trăm tỉ đồng, ông trùm Lê Văn Huy còn rất “cáo già” trong quá trình lẩn trốn pháp luật.

Lê Văn Huy (57 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) - kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo mua bán thiên thạch liên tỉnh, chiếm đoạt cả trăm tỉ đồng của nhiều nạn nhân ở các tỉnh, thành: Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Bình Thuận, An Giang, TP.HCM… được xem là “siêu” xảo quyệt. Sau khi bị truy nã, bóng dáng Huy gần như biệt tăm.

Thua bạc, thế chấp đàn em

Với nhiều thương vụ mua bán thiên thạch trị giá hàng tỉ USD, Huy đã chiếm đoạt cả trăm tỉ đồng của nhiều nạn nhân rồi bỏ trốn gây xôn xao dư luận. Nhận thấy đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, rất lưu manh, với nhiều thủ đoạn, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, đã chỉ đạo Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52B) xác lập chuyên án, phối hợp C45B, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và công an các địa phương liên quan tiến hành truy bắt.

Ngày 9/10, C52B nhận tin từ PC45, Công an TP.HCM, đã bắt một đàn em của Lê Văn Huy, là Nguyễn Văn Dũng  (tức Dũng “man”). Theo lời khai của Dũng, Huy thường đi ô tô màu xám 7 chỗ và hay lui tới nhà các vợ nhỏ. Huy rất thích bài bạc và nhiều lần cùng Dũng sang các sòng bài ở Campuchia. Gần đây nhất, Huy thua 500.000 USD và “thế chấp” Dũng ở lại sòng bài, hứa về VN sẽ đưa tiền qua chuộc. Tuy nhiên, Dũng chờ từ ngày này qua ngày khác mà không thấy Huy qua nên đã gọi điện cầu cứu gia đình.

Trinh sát tiếp tục xác minh thì phát hiện một số đồng phạm của Huy đang hoạt động tại Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước. Đồng thời một nguồn tin cho biết Huy có thuê phòng tại một khách sạn và dùng CMND tên Tấn, hộ khẩu ở Long Thành, Đồng Nai.

Để buộc Huy phải ra mặt, ban chuyên án quyết định mật phục chờ nhóm đàn em của Huy tụ tập ở Bình Dương, sau đó mời một người trong nhóm về cơ quan công an làm việc.

Sau quá trình đấu tranh quyết liệt, ban chuyên án quyết định cho người này ra về. Từ những thông tin thu thập được từ người này cộng với lời khai của Dũng “man” ngày 19/9/2014, chuyên án được thành lập.

Bốn mũi trinh sát tinh nhuệ được tung ra. Thông tin xác minh ban đầu cho thấy Huy liên tục di chuyển giữa các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang nhưng tập trung nhiều ở TP.HCM. Để an toàn, Huy cấm những người trong đường dây không được tự động liên hệ với nhau nếu chưa có sự đồng ý của Huy. Đàn em của Huy cũng không biết nơi ở cụ thể của hắn. Huy thường yêu cầu đàn em chở đến một địa điểm nhất định, sau đó sẽ bắt xe taxi hoặc xe ôm đi tiếp. Mặc dù kế hoạch thời gian phá án cận kề, nhưng manh mối về Huy dường như mù mịt, buộc trinh sát của C52B ngày đêm chạy đua với thời gian…

Lên kế hoạch trốn đi nước ngoài

Để tránh bị phát hiện, Huy sử dụng 8 ô tô, hàng trăm số điện thoại, 10 CMND mang tên khác nhau và di chuyển liên tục. Mỗi lần Huy đi đâu thì đám đàn em thường chạy xe theo. Đi được một quãng đường, Huy lại thay đổi quần áo, giày dép và nhảy sang xe khác. Trong quá trình lừa đảo liên tỉnh, Huy đóng vai giảng viên của một trường đại học ở TP.HCM. Ngoài ra, Huy có 23 người vợ, 31 người con ở khắp mọi nơi. Không chỉ cầm đầu băng nhóm lừa đảo chuyên nghiệp, Huy còn là nghi phạm gây ra một số vụ giết người để bịt đầu mối.

Đến ngày 15/11, qua phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, ban chuyên án biết có một nhóm người đang lên kế hoạch đưa Huy định cư tại Campuchia và Thái Lan với một phụ nữ đã đăng ký kết hôn. Mọi công việc làm ăn ở VN sẽ bàn giao lại cho đàn em, Huy sẽ chỉ đạo từ xa. Tối đó, ban chuyên án nhận được thông tin Huy sẽ xuất phát từ TP.HCM sang Campuchia qua ngả biên giới Tịnh Biên, An Giang. Để đánh lạc hướng cơ quan chức năng, Huy điều 3 xe hơi xuất phát từ 3 hướng khác nhau. 18 giờ, 3 xe của đối tượng xuất hiện nhưng chạy lòng vòng đến các quận Thủ Đức, Phú Nhuận, Gò Vấp, 7… mãi đến 22 giờ mới ra đại lộ Nguyễn Văn Linh chạy về hướng An Giang.

Các tổ trinh sát C52B phóng xe máy bám sát xe đối tượng. Vào đường cao tốc, xe máy không thể lưu thông nên các chiến sĩ phải chạy đường dân sinh phía dưới, rất gồ ghề, đầy đất đá. Vừa chạy vừa điện đàm với các lực lượng phối hợp liên tục, trung úy Cao Thành Công kể, trời lại mưa tầm tã, bao lần sụp vào ổ voi, ổ gà, mương, rãnh thoát nước...

Rạng sáng 16/11, một trong 3 chiếc xe của nhóm Lê Văn Huy đến phà Vàm Cống. Xe của đối tượng lên phà, cửa kính được mở ra để người trên xe hưởng gió trời và trung úy Công đã kịp nhận ra “ông trùm”. Phà cập bến, xe của Huy rơi vào thế “thập diện mai phục”. Lúc này, tại chốt gác phà cũng đã có lực lượng PC52, Công an An Giang chốt chặn, sẵn sàng đợi lệnh. Khi phía trước đối tượng còn 2 xe chờ xuống phà, nhóm trinh sát chĩa súng, Huy đã phải ngoan ngoãn rời khỏi xe.

Liên quan đến đường dây lừa đảo này, ngoài những nghi phạm bị bắt trước đó, như Trần Văn Đoàn, Vi Xuân Uyên, Nguyễn Văn Dũng, ngày 5/12, đồng phạm K’Thông, một đối tượng bị truy nã đặc biệt đã ra đầu thú tại Công an Ninh Thuận. Đây là một mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo của Huy. Với vai trò là người dắt mối, K’Thông đã tham gia chiếm đoạt số tiền rất lớn của hàng chục nạn nhân.

Theo đại úy Lê Văn Long, cán bộ PC45, Công an Ninh Thuận, cách đây 2 tuần, biết K’Thông xuất hiện ở Di Linh, Lâm Đồng, tổ công tác tổ chức truy bắt, nhưng do địa hình hiểm trở nên nghi phạm đã chạy thoát. Bị truy đuổi quá gắt gao và biết không còn chỗ để lẩn trốn nên K’Thông ra đầu thú. Công an Ninh Thuận đang tiếp tục truy nã Hà Khoa (41 tuổi, ngụ Quảng Nam) và kêu gọi các đối tượng trong đường dây này ra trình diện để nhận được sự khoan hồng.

Theo Biên Thảo

Theo Báo Thanh Niên