Cuộc bể dâu ở Ukraine qua nhật ký người Việt

"Điện thoại, tin nhắn dồn dập về tinh hình Ucraina. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được “mùi chiến tranh” cận kề đến thế", chị Hoa Lý tại Ukraine viết trong nhật ký về những gì chị đã và đang chứng kiến.
Lực lượng vũ trang phong tỏa sân bay quân sự Ukraine ở Belbek, gần thủ phủ Simferopol thuộc bán đảo Crimea ngày 2/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kiev, thủ đô xinh đẹp của Ucraina đắm chìm trong những diễn biến ngày càng phức tạp. Khởi đầu là những cuộc biểu tình kéo dài từ giữa năm 2013 cho đến tận đầu năm 2014. Những cuộc biểu tình liên miên kéo theo đời sống nhiều biến động. Thất nghiệp, kinh tế ngày càng suy sụp, nhịp sống trì trệ. Từ “MAIĐAN” đã trở thành một khẩu ngữ, thuật ngữ mới, như một ám ảnh người dân Ucraina vốn thiện lương và bình dị.

Đầu Xuân Giáp Ngọ, chúng tôi chuẩn bị đi Lễ chùa đầu năm tại chùa Trúc Lâm - Kharkov. Đã dự định đặt xe để cả đoàn cùng đi nhưng lái xe cảnh báo tình hình bất ổn và cuối cùng một mình tôi lên đường. Trời ấm áp hơn một chút sau đợt rét kéo dài bất thường. Xuống tới nơi, bạn bè đều thở phào vui mừng vì tôi đã may mắn đi Lễ chùa đúng ngày Hoàng đạo. Ngày 06 tháng Giêng, Lễ cầu an cho các gia đình tại khu C làng Thời Đại – Kharkov và bà con vùng ngoại ô Kiev diễn ra trang nghiêm và thành kính. Tất cả đều mong mỏi cho một thế giới an bình, gia đình hạnh phúc và một mùa xuân tươi sáng...

Trở lại Kiev, ngày 13/02 tôi lại bay đi Matxcơva dự Đêm thơ Nguyên tiêu. Trước đó, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cũng bày tỏ những lo ngại về tình hình bất ổn của Kiev. Tuy nhiên, vì ở ngoại ô nên tôi chưa cảm nhận được hết những biến động lớn đang âm thầm tiếp diễn. Các nhà Việt Nam học, các bạn thơ người Nga tiếp đón tôi bằng những nụ cười cởi mở, bằng những ánh mắt chân tình và câu chào “Chị từ MAIĐAN đến phải không?”. Cảm giác ngột ngạt...

Đêm thơ Nguyên tiêu diễn ra trong bầu không khí thân tình, cởi mở và hình như mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm... hay tại mình nhạy cảm? Tôi trở lại Kiev với nhịp sống bình thường như mọi ngày, với bộn bề công việc và con cái, tạm quên đi ám ảnh MAIĐAN...

Ngày 18-19/02, thông tin dồn dập về sự căng thẳng bùng phát. Tôi liên tục chat với chị Điệp Anh - Trưởng thường trú VOV qua Facebook (Fb). Hai chị em trao đổi tình hình, dặn dò nhau phải cẩn thận. Ngày 19, chị Điệp Anh và các đồng nghiệp ở VTV sẽ xuống Kiev làm tin “chiến sự”. Chỗ tôi thì người ta kêu gọi đi biểu tình, trong khi công an thành phố thì phong tỏa. Trong số những người thiệt mạng, nghe nói có 1 phóng viên của báo Vesti… Tôi cảm thấy lo lắng cho các anh chị. Vội cho chị số điện thoại để có gì chị còn liên hệ khi cần.

Ngày 20/02, Ngày Quốc tang ở Ucraina. Máu chảy, lửa cháy, loạn lạc... nguyện cầu cho những người đã ngã xuống! Chúng tôi phập phồng theo những biến động. Ngay tại nơi làm việc, người dân bản xứ liên tục truy cập mạng để theo dõi tình hình. Tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi thấy máu đổ, lửa cháy khắp nơi, súng nổ tại nơi bình yên nhất, đẹp nhất của thủ đô Kiev.

Ruột gan cồn cào vì 2 con ở 2 nơi không về được. Thông tin về việc báo động tình trạng khẩn cấp. Mọi người trong tư thế sẵn sàng cho điều tệ hại nhất xảy ra. Quầy rút tiền tự động đông như kiến. Trạm xăng xếp hàng dài. Siêu thị chật như nêm và lương thực, thực phẩm chẳng mấy chốc đã sạch bóng.

Thông tin về việc cắt mạng di động, mạng internet, truyền hình cho thấy tình hình đã vô cùng nguy ngập. Tôi như ngồi trên đống lửa, không thể nào chợp mắt, liên tục gọi cho các con dặn dò không được đi ra đường vào lúc này... Đã có trường hợp kẻ xấu lợi dụng tình hình hỗn loạn xông vào tận các Ký túc xá sinh viên để đánh người.

Thậm chí, có những nơi được trang bị vũ khí để chống lại lực lượng cảnh sát. Tại khu vực Troeshina – nơi có đông người nước ngoài sinh sống và buôn bán đã có những dấu hiệu của bạo lực nhằm vào dân thường...

Tối 21/02, chị Điệp Anh gọi điện thông báo tình hình có vẻ yên sau khi 2 bên đã ký những thỏa thuận... Tuy nhiên, người dân và cả chúng tôi, những người Việt sống qua hơn 1/4 thế kỷ trên nước bạn vẫn canh cánh nỗi âu lo về những diễn biến tiếp theo của HẬU MAIĐAN!

Ngày 22/02, chị Điệp Anh trở lại Matxcơva an toàn sau những giờ phút căng thẳng, dấn mình nơi nguy hiểm của “chảo lửa MAIĐAN”. Những việc làm của các anh, các chị đài phát thanh, đài truyền hình khiến tôi vô cùng cảm phục. Đúng là những con người quả cảm! Chị cùng các anh Duy Nghĩa, Chu Thái... lại tiếp tục bận rộn với những bài báo, phóng sự truyền hình về những gì đã xảy ra tại Kiev...

Báo Nguoixunghekiev.vn cũng liên tục đăng tải những thông tin từ VTV4, từ VOV.VN, Vietnamplus.vn!

Ngày 24/2, tiếp tục trao đổi với chị Điệp Anh, biết tình hình vẫn tiếp tục phức tạp… Qua những biến động đó, bà con thấy ấm lòng bởi sự sẻ chia, cảm thông từ quê hương qua mạng truyền thông. Bên cạnh đó là sự sẻ chia rất chân tình, rất xúc động và liên tục cập nhật của gia đình, bạn bè trên khắp thế giới qua mạng Fb!

Những ngày tiếp theo là sự hồi hộp về những diễn biến như trong dự đoán.

Tình hình ngày một xấu đi. Đồng tiền rớt giá. Bán đảo Crưm căng thẳng...

Tôi đã bàn tính với chồng chuyện trở về quê hương chỉ e rằng không kịp thu xếp.

Ngày 01/03, ngày đầu tiên của mùa Xuân. Tình hình không có gì sáng sủa. Người dân vẫn phập phồng dõi theo diễn biến thời sự.

Ngày 02/03, sáng mở tin nhắn Fb, từ VN đã thông báo tình hình Ucraina tồi tệ hơn. Nghe Radio kêu gọi TỔNG ĐỘNG VIÊN – choáng váng. Nhiều phụ nữ khóc. Họ sợ chiến tranh. Sợ những người thân của mình phải ra trận và liệu có trở về??? Thực sự khủng hoảng tinh thần!..

Điện thoại, tin nhắn dồn dập về tinh hình Ucraina. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được “mùi chiến tranh” cận kề đến thế.

Hơn hết là những trái tim quặn thắt lo cho các con. Lạy Trời, đừng xảy ra điều tồi tệ nhất, cầu cho thế giới yên bình!...

Ucraina 02/03/2014,
Đỗ Thị Hoa Lý

Theo Theo Quê Hương Online