Cửa hàng cơm văn phòng đua nhau phá sản
> Thảm cảnh nợ lương: DN cùng đường, 'cắt cơm' nhân viên
> Hết mưa bão, giá rau củ tăng như... bão
Ế ẩm, thu không đủ chi, danh sách nợ ngày càng dài nên sau gần 2 năm hoạt động, cửa hàng cơm văn phòng của chị Quyên tại Mỹ Đình buộc phải đóng cửa. Khó khăn, DN cắt giảm nhân sự, giải thể khiến nhiều cửa hàng cơm văn phòng như của chị Quyên lao đao.
Vạ lây vì DN cắt giảm nhân sự
Quán cơm chị Quyên là một trong những đơn vị trước đây kinh doanh khá tốt, lượng khách văn phòng đặt cơm nhiều, mỗi ngày cung cấp hàng trăm suất ăn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ giữa năm nay, mọi hoạt động của cửa hàng đều cầm chừng, số lượng suất đặt ăn giảm hẳn. Chị Quyên cho hay, tính riêng khu vực Mỹ Đình, hàng ngày chị vẫn cung cấp suất ăn cho 7 công ty, với gần 100 người, nhưng giờ chỉ còn một đơn vị đặt ăn thường xuyên với số lượng chỉ gần chục suất mỗi ngày.
Tại khu vực Trung Hòa Nhân Chính, một công ty bất động sản chuyên đặt suất ăn của cửa hàng chị nhưng hiện cũng đã dừng hẳn. Thời gian đầu, mỗi ngày công ty này đặt khoảng trên 20 suất ăn nhưng sau đó giảm dần xuống 10, 5 và giờ chỉ còn lại vài người nên ngừng hẳn. Chị Quyên chia sẻ, số lượng công ty cắt giảm nhân sự tăng, có nơi còn cắt cả tiền ăn trưa của nhân viên nên doanh thu cửa hàng chị cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Không chỉ vậy, số tiền nợ đọng ngày càng tăng. Đơn cử, một công ty truyền thông ở Mễ Trì vẫn còn nợ tiền ăn từ tháng 5.
Không chỉ những cửa hàng cơm văn phòng đặt theo suất chuyển tới các công ty mà ngay cả những quán cơm văn phòng cũng vắng khách hẳn. Chị Hoa, chủ một cửa hàng cơm ở phố Trần Duy Hưng cho hay, chị đã thu hẹp phạm vi cửa hàng, đồng thời cắt giảm nhân viên vì ế ẩm. Cửa hàng cơm của chị chỉ hoạt động duy nhất vào buổi trưa các ngày đi làm, phục vụ chủ yếu dân văn phòng. Thời gian gần đây, lượng khách đến ăn cũng giảm mạnh, một phần do số lượng công ty khu vực này ít dần, mặt khác một số người đã chuyển sang mang cơm từ nhà đi.
Để hút khách, chị Hoa đã chuyển sang bán thức ăn đồng giá, mỗi suất 30.000 đồng, thêm nước uống miễn phí. Thỉnh thoảng, chị cũng yêu cầu nhân viên đi phát tờ rơi để mọi người chú ý. Chị Hoa chia sẻ, nếu không nhập được nguồn thực phẩm giá rẻ thì khó có thể trụ nổi do mọi chi phí đều tăng: tiền thuê nhà, tiền nhân công... , nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Khách họ tinh ý lắm, chỉ cần nấu không ngon, thực phẩm kém chất lượng là có thể mất khách luôn. Cửa hàng mình phục vụ khách quen nên phải giữ uy tín", chị Hoa nói thêm.
Đồng cảnh ngộ, chị Mai, chủ quán bún phở dưới chân tháp BIDV Towers, cho hay, gần năm nay, giá cả leo thang nhưng chị vẫn phải giữ giá mỗi bát bún phở là 25.000 đồng, cũng không bớt khẩu phần ăn của khách. Chị Mai kể rằng do không phải thuê địa điểm, hàng ngày chị vẫn chịu khó đi chợ đầu mối mua thực phẩm nên vẫn cố giữ giá. "Giờ chỉ mong giữ được khách thường xuyên là vui lắm rồi. Mỗi tháng, chỉ cần khoảng vài chục khách ăn hàng ngày, mình có thể yên tâm", chị Mai ngao ngán.
Trầy trật đòi nợ
Doanh thu giảm nguy cơ đóng cửa hàng vì ế ẩm, các cửa hàng cơm văn phòng còn đối mặt với tình trạng nợ đọng kéo dài. Đại diện nhà hàng cơm văn phòng Cơm123 chia sẻ, cho đến thời điểm này, khách hàng nợ tiền cơm khó đòi đã lên tới cả trăm triệu đồng. Thậm chí, công ty tự giới thiệu có 300 nhân viên này đến nay đã không còn người tại trụ sở, nhà hàng bất lực không biết đòi tiền ai.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý nhà hàng Cơm123, lắc đầu ngán ngẩm: "Không chỉ biến mất, nhiều đơn vị còn đùn đẩy trách nhiệm và phía nhà hàng luôn gánh phần thiệt. Chẳng hạn, một công ty ở Cầu Giấy bán cổ phần cho công ty khác và kết quả là không ai chịu nhận trách nhiệm trả nợ tiền cơm. Chúng tôi đã mất rất nhiều công sức để tìm ra số chứng minh nhân dân của giám đốc nhưng liên lạc để đòi nợ cũng khó vì họ tìm mọi cách lẩn tránh". Lại thêm một công ty nằm trong danh sách nợ đọng tiền cơm kéo dài.
Chị Quyên, chủ cửa hàng cơm ở Mỹ Đình nói trên, cũng kêu ca, doanh thu hàng tháng của cửa hàng luôn bị tồn đọng vì nợ khó đòi. Đơn cử, một công ty ở cách cửa hàng chị không xa đang nợ gần 50 triệu đồng, nhưng sau thời gian dài vẫn chưa thể đòi được nợ. Chị ấm ức, biết là số tiền nợ cơm ngày càng tăng nhưng cửa hàng chị vẫn đưa cơm vì ngừng sẽ khó đòi tiền hơn. Mới đây, nghe tin công ty này có nguy cơ giải thể, chị càng hoang mang.
Còn chị Hoa, chủ quán cơm ở Trần Duy Hưng, bức xúc, để đầu tư một cửa hàng cơm văn phòng không phải đơn giản. Chị mất hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho việc lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, thuê nhân viên nấu ăn, giao hàng. Tuy vậy, doanh thu của nhà hàng tính ra chỉ là bạc cắc mỗi ngày. Theo chị Hoa, bán suất cơm lẻ ở cửa hàng thu tiền "tươi" còn sướng hơn cung cấp cho cả công ty rồi dính nợ nần. Trước tình trạng khó khăn như hiện nay, nhiều đồng nghiệp mở hàng cơm như chị đã đóng cửa hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh.
Ông Hùng, chủ quán cơm 123, cho biết, số tiền nợ đọng đã ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh của cửa hàng. Do kinh doanh chủ yếu là online nên giá cơm đã giảm khá nhiều. Thời buổi kinh tế khó khăn, nhà hàng cũng đã chia sẻ một phần cho các công ty bằng việc cho trả chậm tiền cơm, song các công ty không nên trốn nợ như vậy. Như thế chẳng khác gì đẩy các cửa hàng cơm vào ngõ cụt và đối mặt nguy cơ dẹp tiệm.
Theo Duy Anh
Vef