Cú hích trở lại suy thoái?

TP - Chính trường Nhật Bản lại đang nổi sóng khi một loạt các quan chức cấp cao đệ đơn từ chức. Trước đó, sóng ngầm đã nổi lên khi Thủ tướng Yosihiko Noda giới thiệu dự luật tăng thuế tiêu dùng, một dự luật mà giới chuyên gia đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế vốn đang suy yếu của Nhật Bản.

> Nhật Bản: Đảng liên minh đòi đuổi căn cứ Mỹ

Theo dự luật, thuế tiêu dùng sẽ được tăng từ mức 5% hiện nay lên 8% từ tháng 4-2012 và lên 10% từ tháng 10-2015 nhằm bù đắp những chi phí an sinh xã hội khổng lồ của Nhật Bản.

Trên thực tế, kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 9-2011, ông Noda đã đặt mục tiêu tăng thuế tiêu dùng nhằm mục đích trang trải một phần trong khoản nợ công khổng lồ, lên tới 44.000 tỷ yên (532 tỷ USD), chiếm khoảng 8,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo dự đoán, nếu cứ tăng 1% thuế tiêu dùng, doanh thu từ thuế của chính phủ sẽ có thêm 2.000 tỷ yên và theo đà này việc tăng thuế có thể là sự khỏi đầu tốt để giúp Nhật Bản cân đối lại tình trạng nợ nần.

Cũng như Mỹ, đối với Nhật Bản, thuế tiêu dùng là nguồn thu lớn nhất của chính phủ vì vậy việc tăng loại thuế này có vẻ sẽ cải thiện đáng kể ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, xét trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều khả năng Tokyo sẽ phạm sai lầm lớn nếu quyết tâm tăng thuế.

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công bùng nổ tại châu Âu đang buộc nhiều quốc gia phải tìm cách giảm nợ để hạn chế rủi ro, song việc hạn chế nợ công không có nghĩa là tiếp tục phá hủy nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế dựa vào tiêu dùng như Mỹ và Nhật Bản.

Nếu chính phủ tăng thuế tiêu dùng, chắc chắn người dân sẽ hạn chế chi tiêu và đương nhiên đây sẽ là cú hích đầu tiên để đẩy đất nước rơi ngược trở lại suy thoái.

Bản thân kinh tế Nhật Bản, vốn đang rất mỏng manh sau một loạt các cú sốc lớn như thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3-2011 và kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng kéo dài, sẽ khó có khả năng chịu thêm một cú sốc lớn.

Dự luật tăng thuế đã thổi bùng một cơn bão trong nội bộ đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền và sẽ tiếp tục càn quét uy tín của ông Noda trong vài ngày tới.

Một số thành viên trong chính phủ và ban lãnh đạo DPJ cảnh báo sẽ tiếp tục từ chức nếu đương kim thủ tướng vẫn quyết tâm thông qua dự luật nói trên tại Quốc hội.

Trong quá khứ, năm 1997, Nhật Bản từng tăng thuế tiêu dùng từ 3% lên 5% và quyết định này đã đẩy kinh tế rơi vào một đợt suy thoái sâu khiến nhiều ngân hàng phải sụp đổ.

Cả lịch sử cũng như nhiều thành viên trong DPJ không đứng về phía ông Noda và thủ tướng đang đối mặt với lời chỉ trích điều hành kinh tế đất nước bằng bàn tay sắt.

Theo Báo giấy