Cụ bà 100 tuổi kiếm nhiều tiền hơn CEO của phố Wall?
Số cổ phiếu trị giá 180 USD được mua từ những năm 1930 chưa bao giờ bán và đã biến thành khối tài sản có giá trị khổng lồ. Bà quyết định dành tất cả 7 triệu USD làm từ thiện.
Grace Groner sinh năm 1909 tại vùng nông thôn của Illinois. Bà mồ côi từ năm 12 tuổi, chưa từng kết hôn và bắt đầu sự nghiệp của mình trong thời kỳ Đại Khủng hoảng. Bà là người phụ nữ có cuộc sống giản dị và bình lặng với một nhà đơn sơ, dùng quần áo hàng thùng và chưa bao giờ sở hữu một chiếc xe hơi riêng.
Tuy nhiên, khi qua đời năm 2010, bà Groner đã trở nên nổi tiếng. Những người thân của bà đã bị sốc khi phát hiện bà có tài sản lên tới 7 triệu USD. Ngạc nhiên hơn, bà đã tự mình kiếm được số tiền đó. Số cổ phiếu trị giá 180 USD được mua từ những năm 1930 chưa bao giờ được bán và đã biến thành khối tài sản có giá trị khổng lồ. Bà quyết định dành tất cả 7 triệu USD làm từ thiện.
Có bằng MBA từ ĐH Chicago, Richard Fuscone là cựu lãnh đạo cao cấp của Merrill Lynch. Năm 2010, Fuscone quyết định nghỉ hưu để “theo đuổi sở thích cá nhân”. David Komansky - cựu CEO của Merrill - từng ca ngợi Fuscone là người nhạy bén trong kinh doanh và có kỹ năng lãnh đạo xuất sắc.
Tuy nhiên, Fuscone đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2010 (đây cũng là năm tài sản của bà Groner được công bố). Ông đứng trước nguy cơ bị tịch biên ngôi biệt thự rộng 18.471 foot vuông với 11 phòng tắm, 2 bể bơi và 7 garage ô tô ở New York. Trước đó, Fuscone cũng đã phải bán một ngôi nhà khác ở Palm Beach. "Tôi đã bị đánh bại bởi khủng hoảng tài chính và hiện nay không có chút tài sản nào”, Fuscone viết trong hồ sơ xin phá sản.
Một trong những lời kêu gọi phổ biến nhất ở Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. "Chúng ta phải đảm bảo chắc chắn rằng tất cả người Mỹ có đủ kỹ năng để quản lý nguồn lực tài chính của bản thân và tránh tình trạng bị lừa đảo tiền bạc", Tổng thống Barack Obama đã viết như vậy hồi năm 2011.
Tuy nhiên, vẫn có một sự thật khá hài hước về kỹ năng quản lý tài chính. Dù Grace Groners và Richard Fuscones là những ví dụ bất thường, mối quan hệ giữa quá trình đào tạo kỹ năng quản lý tài chính và kết quả cuối cùng là một điều khó nắm bắt.
Tuần trước, bộ ba các nhà kinh tế học vừa công bố kết quả nghiên cứu dựa trên 168 ví dụ riêng biệt nhằm phân tích tính hiệu quả của các chương trình đào tạo kỹ năng tài chính. Kết luận mà họ đưa ra thật đáng ngạc nhiên: những can thiệp nhằm cải thiện kỹ năng quản lý tài chính chỉ có thể giải thích cho 0,1% những hành vi tài chính được nghiên cứu. Hiệu quả thấp hơn đối với những mẫu có thu nhập thấp. Đồng thời, hiệu quả cũng biến mất nhanh chóng.
Điều này không có gì mới. Lauren Willis (đến từ trường luật Loyola) đã chỉ ra rằng thậm chí các chương trình đào tạo về kỹ năng quản lý tài chính còn có thể làm tổn hại đến tình hình tài chính của học viên. Các sinh viên trung học tham gia vào khóa học về kỹ năng quản lý tài chính sẽ gặp nhiều vấn đề về tài chính hơn so với những người bỏ qua khóa học.
Sau 1 năm tham gia các lớp quản lý tiền, những người tiêu dùng có thu nhập thấp còn bị yếu đi về khả năng hoạch định và đặt mục tiêu tài chính. Jason Zweig của tờ Wall Street Journal cũng đã cho rằng những người bộ đội tham gia vào lớp kỹ năng quản lý tài chính bị giảm khả năng kiểm soát chi tiêu của gia đình một cách có hiệu quả.
Giống như Zweig đã từng khẳng định, có rất ít bằng chứng cho thấy các khóa đào tạo về quản lý tài chính thực sự hiệu quả. Một phần của vấn đề nằm ở chỗ có quá nhiều lời khuyên tài chính và phần nhiều trong số đó là những lời khuyên không chính xác.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy câu trả lời rõ ràng hơn: các chương trình đào tạo tài chính không thể cải thiện tình hình tài chính bởi chúng thường đem lại những khái niệm tài chính căn bản - điều không quan trọng bằng vấn đề hành vi. Trong trường hợp này, kiến thức không thể bù đắp kỹ năng.
Dường như các chương trình đào tạo làm tăng độ tự tin mà không cải thiện được khả năng và do đó dẫn đến những quyết định sai lầm. Học về khái niệm lãi suất gộp không thể giúp ích nhiều cho bạn trừ khi bạn hiểu được tài sản của mình sẽ bị xói mòn như thế nào nếu hoảng loạn trước đà giảm của thị trường.
Khác biệt về hành vi chính là thứ tách biệt Grace Groners và Richard Fuscones. Rõ ràng là Groner đã hiểu rõ khái niệm kiên nhẫn và lối sống căn cơ. Bà cũng hiểu được giá trị của một tầm nhìn xa và làm thế nào để không hoảng loạn. Có vẻ như Fuscone đã không làm được điều này.
Điều quan trọng nhất giúp bạn quản lý tình hình tài chính hiệu quả không được dạy trong các khóa học về tài chính. Dễ hơn, bạn có thể tìm thấy ở các lớp tâm lý học với những khái niệm như kiên nhẫn và không quá lạc quan.
Theo Trí thức trẻ