Tham gia Hội nghị có TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP làm chủ trì, ThS. Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục ATTP, PTS. Nguyễn Văn Nhiên – Phó thanh tra Bộ Y tế, đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, lãnh đạo và chuyên viên các phòng thuộc Cục ATTP cùng đông đảo phóng viên thuộc các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Phong đã nêu bật những khó khăn của công tác bảo đảm ATTP trong 9 tháng vừa qua, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân các thông tin liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tại Hội nghị, TS. Trần Thị Thu Liễu - Trưởng phòng Thông tin Giáo dục Truyền thông, Cục ATTP đã báo cáo sơ kết hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm 2015, trong đó tập trung vào các hoạt động truyền thông ATTP, khó khăn trong vấn đề kinh phí, nhân lực phục vụ an toàn thực phẩm,….
TS. Trần Thị Thu Liễu – Trưởng phòng Thông tin Giáo dục Truyền thông, Cục ATTP báo cáo sơ kết hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm 2015.
Báo cáo tại Hội nghị, TS. Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, toàn quốc có 129 vụ ngộ độc thực phẩm, với 3.436 người mắc và 20 người tử vong. Trong đó có 28 vụ ngộ độc tập thể, 64 vụ ngộ độc tại bếp ăn gia đình. Nếu so với với cùng kỳ năm trước, các số liệu về vụ việc và số lượng người mắc cũng như tử vong do ngộ độc an toàn thực phẩm đều giảm. Song những con số này cũng rất đáng báo động đối người dân. Nguyên nhân chủ yếu của ngộ độc thực phẩm là sử dụng các loại thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, sản phẩm của các hộ gia đình sản xuất những thức ăn chế biến sẵn nhưng không được kiểm soát. Bên cạnh đó, khí hậu, thời tiết và việc vận chuyển thức ăn trong quãng đường dài, … cũng ảnh hưởng đến tình hình ngộ độc thực phẩm.
Cũng báo cáo tại Hội nghị, TS. Trần Văn Châu - Trưởng phòng Thanh tra, Cục ATTP cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý 172 cơ sở vi phạm với số tiền trên 3,1 tỷ đồng. Trong đó vi phạm quảng cáo chiếm hơn 80% với hơn 2,4 tỷ đồng. Ngoài việc xử phạt, Cục cũng đã thu hồi 11 giấy xác nhận công bố hợp quy sản phẩm, 5 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tạm dừng lưu thông 49 lô sản phẩm, thu hồi, tiêu hủy 2 sản phẩm và 230kg sản phẩm vi phạm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
TS. Trần Văn Châu cho biết thêm, để nâng cao năng lực của hệ thống ngày 15/11 tới đây, lần đầu tiên có thanh tra chuyên ngành tuyến quận huyện, xã phường khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được triển khai thực hiện. Theo đó, Chủ tịch UBND của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn tại mỗi thành phố 5 đơn vị hành chính cấp quận; 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc các đơn vị hành chính cấp quận để triển khai thí điểm, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm ngay tại cơ sở.
Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh: Từ những con số về ngộ độc và xử phạt liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm trong 9 tháng vừa qua, có thể nhận thấy đây là vấn đề nhức nhối. Bên cạnh đó, quảng cáo cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Cụ thể có một số cơ sở quảng cáo in ấn, phát hành chưa được kiểm tra, cấp phép vẫn in quảng cáo, phát tờ rơi hoặc quảng cáo trên internet để bán thực phẩm là hàng xách tay, đặc biệt là thực phẩm chức năng. Trước tình hình đó, Cục đã báo cáo với Bộ Y tế, Vụ Thông tin Truyền thông để có văn bản kịp thời xử lý những trường hợp như trên. Cục trưởng cũng đã đưa ra những trọng tâm định hướng tuyên truyền trong thời gian tới: Tập trung tuyên truyền việc bảo đảm ATTP dịp lễ Noel, đặc biệt dịp Tết dương lịch, Tết âm lịch sắp tới; phổ biến các văn bản mới, tuyên truyền biểu dương các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP.