Phát biểu sau khi trường hợp tử vong đầu tiên ở bang Washington được xác nhận, ông Trump hứa sẽ có thêm biện pháp. Chỉ một ngày trước đó, ông cho rằng mối đe doạ từ virus này đang bị thổi phồng và các đối thủ chính trị của ông đang tạo ra một “trò lừa” khi chỉ trích cách chính quyền ứng phó Covid-19.
Sau đó, ông xuất hiện trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng cùng Phó Tổng thống Mike Pence và các quan chức y tế cộng đồng hàng đầu để thông báo rằng Mỹ sẽ cấm đi lại đến Iran và thúc giục người Mỹ không đến các ổ dịch ở Italia và Hàn Quốc. Ông nói rằng 22 người ở Mỹ đã bị nhiễm Covid-19, trong đó 1 người thiệt mạng và 4 người có vẻ “rất ốm”. Khả năng Mỹ sẽ có thêm những ca mới, ông nói.
Tổng thống Mỹ cho biết ông đang cân nhắc áp thêm các biện pháp hạn chế, như đóng cửa biên giới với Mexico, nhưng sau đó lại nói: “Đó không phải biên giới gây ra nhiều vấn đề trong lúc này”. Đi lại giữa Mỹ và Iran cũng khá hạn chế, dù một số gia đình vẫn được phép nếu có visa. Iran là một trong 7 nước nằm trong danh sách cấm đi lại của Mỹ ngay từ đầu, nên khả năng bệnh lây từ nguồn này không phải nguy cơ lớn với Mỹ.
Ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), nói rằng không có bằng chứng cho thấy người đàn ông Mỹ vừa tử vong vì Covid-19 liên quan đến việc ra nước ngoài. Trường hợp thứ ba nhiễm Covid-19 ở Mỹ gần đây cũng không ra nước ngoài hay tiếp xúc gần với bất kỳ bệnh nhân nào được biết đến. Mỹ cho đến nay đã có 60 ca nhiễm được xác nhận, tính cả những người được đưa về từ Trung Quốc và du thuyền Diamond Princess.
Ông Trump nói rằng, người Mỹ khoẻ mạnh sẽ hồi phục được nếu nhiễm Covid-19, dân Mỹ không cần thay đổi thói quen hằng ngày vì nước này đã “siêu chuẩn bị” cho khả năng dịch bùng phát rộng hơn, nên “không có lý do gì để hoảng sợ cả”, AP đưa tin.
Theo giới quan sát, ông Trump đang cố gắng trấn an dân Mỹ vì ông lo cơn hoảng loạn trước nguy cơ đại dịch có thể làm kéo tụt nền kinh tế Mỹ và vô hiệu hoá lập luận tái tranh cử quyết liệt nhất của ông.
Tương lai bất định
Đại dịch là thứ nhắc nhở về khả năng hữu hạn của con người trong dự đoán tương lai. Nếu một vi sinh vật từ dơi xâm nhập cơ thể con người có thể kéo nền kinh tế toàn cầu đến bờ vực khủng hoảng, ai biết được sẽ có những thứ gì nổi lên trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử Mỹ 3/11. Không ai có thể nói chắc chắn Covid-19 sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới.
Một khả năng mà giới quan sát đang nghĩ tới là Covid-19 sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến hy vọng tái đắc cử của ông Trump tiêu tan.
Nhà Trắng có đủ lý do để vã mồ hôi trước kịch bản này. Lý do mà ông Trump vẫn giữ được tỷ lệ ủng hộ cao đến 40% và cơ hội tái đắc cử khoảng 50% là nền kinh tế Mỹ được cải thiện đều đặn trong gần như toàn bộ nhiệm kỳ đầu của ông. Trong nhiều tháng, tỷ lệ thất nghiệp của dân Mỹ dao động ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ. Lương tăng chậm nhưng đều ngay cả ở đáy thị trường lao động. Niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức rất cao kỷ lục trong giai đoạn hậu suy thoái. 55% người Mỹ ủng hộ cách quản lý nền kinh tế của ông Trump.
Những điều này có thể đủ để thuyết phục một bộ phận cử tri vốn ác cảm với ông Trump bỏ phiếu cho ông vào cuối năm nay. Nếu tỷ lệ ủng hộ ông duy trì mức như hiện nay và nền kinh tế tiếp tục quỹ đạo hiện tại, con đường tái đắc cử của ông Trump dường như rộng mở. Vì thế, ông Trump có lý do để sợ khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ trở thành một triệu chứng của Covid-19.
Một khả năng mà giới quan sát đang nghĩ tới là Covid-19 sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến hy vọng tái đắc cử của ông Trump tiêu tan.