Theo đó, khu vực Đông Bắc Á vẫn là thị trường chính của lao động Việt Nam với 41.453 người, chiếm tỷ trọng 96,77% trong tổng số, giảm 59,1% số lượng lao động đưa đi so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, lao động đi làm việc tại Đài Loan là 17.964 người (giảm 41%), lao động đưa đi tại Nhật Bản: 22.195 người (giảm 48,6%), lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là 985 người (giảm 83,3%).
Tại thị trường Đông Nam Á, có 336 lao động Việt Nam đi làm việc, giảm hơn 33% so với số lao động đưa đi trong 9 tháng năm 2019. Trong đó, chỉ có 4 thị trường tiếp nhân lao động gồm Singapore Malaysia, Phillippines, Thái Lan.
Thị trường các nước khu vực Trung Đông cũng chỉ tiếp nhận khoảng 200 lao động, giảm 81,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ có 3 thị trường tiếp nhận là Algieria, Qatar, Ả rập Xê út.
Tại thị trường Châu Âu có 11 nước tiếp nhận với số lượng 713 người, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Một số nước tiếp nhận có số lượng đáng kể như Rumania, CH Síp, Ba Lan, Slovakia...Đặc biệt, năm 2020 có thêm một thị trường mới tiếp nhận lao động Việt Nam là Uzbekistan với 227 người.
Tại thị trường các khu vực khác, số lượng lao động đi làm việc giảm mạnh. Riêng tháng 9/2020, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, các doanh nghiệp đưa được 3.508 lao động (trong đó 1409 lao động nữ) đi làm việc ở nước ngoài (tăng 9% so với tháng 8).
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đã báo cáo Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh số lượng lao động dự kiến đưa đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 từ 120.000 người xuống còn 70.000 người và năm 2021 là 90.000 người. Trước việc một số thị trường bắt đầu được nối lại, đơn vị này nhận định số lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tăng dần vào các tháng cuối năm.