Ông Putin thông báo để các bang quyết định có nới lỏng các biện pháp bảo vệ hay không, để các thống đốc vùng quyết định về thời gian và quy mô áp dụng các biện pháp mở rộng.
“Cơ chế những ngày không làm việc” trên toàn quốc được áp dụng trong 6 tuần qua kết thúc từ ngày 12/5, cho phép dần bỏ phong toả. Ông Putin nói rằng, quyết định này được áp dụng với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để các ngành công nghiệp nặng, xây dựng, nông nghiệp, vận tải và năng lượng hoạt động trở lại. Nhưng người già trên 65 tuổi và các nhóm có nguy cơ cao phải tiếp tục ở nhà. Người dân cả nước phải đeo khẩu trang khi ra đường.
Nhiều người dân ngạc nhiên khi các biện pháp được nới lỏng vì Nga, với hơn 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, giờ đứng đầu thế giới về số người mắc mới và đứng thứ hai thế giới về tổng số bệnh nhân COVID-19. Một số người cho rằng có thể ông Putin không muốn đi sau các nước phương Tây khi họ đã bắt đầu kết thúc phong toả, dù tình hình ở Nga vẫn nghiêm trọng.
Một số sự cố gần đây cũng gây thêm nhiều khó khăn cho chính quyền trong xử lý khủng hoảng. Hỏa hoạn xảy ra tại 2 bệnh viện ở TP St. Peterburg vào ngày 12/5 và ở Mátxcơva hôm 9/5 khiến 6 người thiệt mạng, nhiều bệnh nhân và bác sĩ phải sơ tán. Hai vụ việc đang được điều tra để làm sáng tỏ nguyên nhân, nhưng một quan chức nói với hãng tin TASS rằng giới chức đang xem xét khả năng hai sự cố do cùng loại máy thở do một công ty của Nga sản xuất gây ra. Nhưng hai sự cố này nhanh chóng bị phủ bóng bởi thông tin ông Dmitry Peskov, người phát ngôn lâu năm của Tổng thống Putin, phải nhập viện vì nhiễm virus corona.
Ông Peskov nói với TASS rằng lần cuối cùng ông gặp trực tiếp tổng thống là “hơn 1 tháng trước”, nhưng thông tin về việc ông nhập viện được tiết lộ không lâu sau khi Thủ tướng Mikhail Mishustin nhập viện vì lý do tương tự khiến nhiều người lo ngại cho sức khoẻ của ông Putin.
Trong lúc này, tình hình lây nhiễm COVID-19 ở Nga vẫn diễn biến nghiêm trọng. Ngày 12/5, Nga báo cáo 10.899 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 232.243. Nga hiện xếp thứ hai thế giới về số ca mắc, sau Mỹ, theo số liệu của ĐH Johns Hopkins.
Dồn dập khó khăn
Đại dịch COVID-19 được đánh giá là đang gây ra đợt khủng hoảng dồn dập đối với ông Putin. Tháng 3 vừa qua, giá dầu sụp đổ sau khi Ả-rập Xê-út tiến hành một cuộc chiến về giá để ép Nga nhượng bộ, dù hai nước từng là đồng minh trên thị trường năng lượng. Nguyên nhân của cuộc chiến này là do Nga từ chối đề xuất của OPEC về việc đẩy thị trường dầu mỏ lên bằng cách giảm sản lượng khai thác. Nga và Ả-râp Xê-út cuối cùng cũng đạt được thoả thuận về giảm sản lượng nhưng vẫn chưa kéo được giá dầu lên, trong khi doanh thu từ bán dầu là một nguồn thu nhập quan trọng của chính phủ Nga. Tình hình càng khó khăn thêm sau khi các biện pháp phong toả được áp dụng để hạn chế COVID-19 lây lan.
Điều này khiến các nhà quan sát về Nga nêu ra nhiều câu hỏi về khả năng của điện Kremlin trong ứng phó với hệ luỵ kinh tế từ đại dịch. Ông Putin cũng bị phe đối lập chỉ trích vì không lập quỹ dự phòng khi giá dầu lên cao để có thể phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, theo CNN. Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 11/5, ông Putin nói rằng ưu tiên hiện nay là “đưa nền kinh tế trở lại bình thường càng sớm càng tốt”.
Nhưng ông có vẻ vẫn đang giãn cách khi chủ trì cuộc họp của chính phủ về xử lý dịch bệnh từ khu nhà ở Novo-Ogaryovo.
Tại Mátxcơva, Thị trưởng Sergey Sobyanin thông báo tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế đến ngày 31/5. Giới chức thủ đô của Nga còn thắt chặt quy định bằng việc bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang và găng tay ở nơi công cộng.