Công nghiệp phụ trợ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu

TP - Đó là đánh giá của ông Shim Wonhwan, Tổng GĐ Tổ hợp Samsung Complex tại hội thảo về hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, diễn ra sáng 11/9.

Nhà máy điện thoại Samsung Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Tổng GĐ Tổ hợp Samsung Complex cho biết, Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995, hiện tổng số vốn đầu tư đăng ký trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp phụ trợ gần 8 tỷ USD. “Tùy vào kết quả đạt được, Samsung sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tương ứng trong thời gian sắp tới”, ông Shim Wonhwan nói.

Tuy vậy, sau nhiều năm đầu tư, ông Shim Wonhwan đánh giá: “Công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam còn lạc hậu. Ngay tại Samsung, hiện các doanh nghiệp (DN) trong nước cũng chỉ cung cấp các mặt hàng như sản phẩm in ấn, bao bì cho chúng tôi”.

Nếu không thể phát triển được công nghiệp phụ trợ trong nước, mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là khó tránh, làm suy yếu sức cạnh tranh, khó phát triển kinh tế bền vững.

Theo số liệu điều tra của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản, số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam chỉ từ 15 đến 30%, kể cả những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc và da giày. Trong khi các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan tỷ lệ nội địa hóa chiếm 50-60%.

GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Chính phủ có chủ trương phát triển 2 khu công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu từ cách đây 14 năm, tới nay vẫn chưa hình thành. Ngành may mặc và điện tử tỷ lệ nội địa hóa được khoảng 33%, nhưng hầu hết sản phẩm do các DN có vốn đầu tư nước ngoài cung ứng. 

GS Mại dẫn chứng, trong số 93 DN cung ứng hàng phụ trợ cho Samsung chỉ có 7 đơn vị của Việt Nam, nhưng cũng chủ yếu cung cấp phần in ấn, bao bì. “Nguyên nhân chủ yếu do chúng ta chưa có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ tầm quốc gia để tạo ra sản phẩm số lượng lớn”, GS Mại nói.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, hiện chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa có đột phá. Trong khi đó, theo ông Hiếu, năng lực sản xuất, kinh nghiệm quản lý của DN còn yếu, nên hầu như chưa tham gia được chuỗi sản xuất toàn cầu.