Công nghệ mRNA phát triển vắc xin COVID-19 đoạt Giải thưởng Đột phá

TPO - Các nhà nghiên cứu về công trình kỹ thuật mRNA giúp phát triển nhanh chóng vắc-xin COVID-19 hiệu quả đã đoạt giải thưởng Đột phá năm 2022 và được tặng thưởng 3 triệu USD, cao gần gấp 3 lần giải thưởng Nobel.
Công nghệ mRNA được áp dụng để phát triển vắc xin COVID-19

Đây là giải thưởng lớn nhất thế giới về khoa học. Thông thường, lễ trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp, nhưng năm nay do đại dịch COVID-19 nên lễ trao giải được hoãn đến năm sau.

Các vắc xin cải tiến được phát triển bởi các hãng dược phẩm Pfizer / BioNTech và Moderna đã được chứng minh hiệu quả chống lại virus dựa trên nhiều thập kỷ nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu Katalin Karikó và Drew Weissman.

Hai nhà nghiên cứu này đã tạo ra công nghệ mRNA không chỉ quan trọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19, mà còn mang lại nhiều hứa hẹn cho các loại vắc-xin và phương pháp điều trị trong tương lai cho nhiều loại bệnh bao gồm HIV, ung thư, tự miễn dịch và các bệnh di truyền.

Công nghệ đồng hồ siêu chính xác

Hai nhà vật lý vừa được thưởng 3 triệu USD vì đã giúp phát triển một chiếc đồng hồ siêu chính xác có thể cho phép các nhà khoa học nghiên cứu và khám phá vũ trụ hơn bao giờ hết.

Hai nhà vật lý Hidetoshi Yatori và Jun Ye đã giành được Giải thưởng Đột phá năm 2022 về Vật lý cơ bản "cho những đóng góp xuất sắc trong việc phát minh và phát triển đồng hồ mạng tinh thể quang học, cho phép kiểm tra độ chính xác các quy luật cơ bản của tự nhiên ", đại diện Giải thưởng công bố ngày 9/9.

Yatori làm việc tại Đại học Tokyo và viện nghiên cứu Riken của Nhật Bản, còn Ye làm việc tại Đại học Colorado Boulder và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia của Mỹ. Hai nhà khoa học này đã làm việc độc lập và sẽ cùng chia sẻ giải thưởng 3 triệu USD.

Nghiên cứu của Yatori và Ye là chìa khóa cho việc tạo ra đồng hồ mạng quang học, mà đại diện của Breakthrough Prize ( Giải thưởng Đột phá) cho biết cải thiện độ chính xác của thời gian hiện hành. Chiếc đồng hồ mới sẽ sai số chưa đầy 1 giây nếu hoạt động trong 30 tỷ năm, gấp đôi tuổi của vũ trụ .

Đồng hồ mạng tinh thể là một bước tiến hóa vượt ra ngoài đồng hồ nguyên tử truyền thống, dựa trên bước nhảy lượng tử được tạo ra bởi các electron trong nguyên tử được cung cấp năng lượng. Thật vậy, "một giây" được chính thức định nghĩa là 9.192.631.770 chu kỳ của bức xạ khiến các electron trong nguyên tử tạo ra một bước nhảy lượng tử.

Việc đo các tần số cao hơn khó hơn nhiều, nhưng vấn đề đó ít nhiều đã được giải quyết nhờ công nghệ "lược tần số quang học", được phát triển bởi John Hall và Theodor Hänsch đã mang về cho họ giải Nobel Vật lý năm 2005. (Hall là cố vấn Tiến sĩ của Ye tại Đại học Colorado Boulder, và Ye tiếp quản phòng thí nghiệm của người cố vấn của mình khi Hall nghỉ hưu.)

Cả Yatori và Ye đều tìm ra cách chế ngự các nguyên tử stronti, giữ chúng nằm yên để có thể đo được chúng. Các nhà nghiên cứu sử dụng "mạng tinh thể quang học", một sóng dừng từ chùm tia laze tạo ra một loại hình hộp trứng có các giếng bẫy các nguyên tử.

Các ứng dụng tiềm năng của công nghệ này rất nhiều và đa dạng, đại diện của Breakthrough cho biết. Ví dụ, đồng hồ mạng tinh thể quang học có thể cải thiện đáng kể độ chính xác của Hệ thống Định vị Toàn cầu và các mạng định vị vệ tinh khác và cho phép các tàu thăm dò không gian sâu được dẫn đường chính xác hơn.

Giải thưởng đột phá hàng năm về khoa học và toán học được thành lập vào năm 2012 bởi Mark Zuckerberg và Priscilla Chan, Sergey Brin, Anne Wojcicki, Yuri và Julia Milner. Đây là giải thưởng phong phú nhất về khoa học; mỗi giải có giá trị gấp gần ba lần giải Nobel. (Một giải Nobel hiện nay đi kèm với giải thưởng tiền mặt trị giá 10 triệu krona Thụy Điển, hoặc khoảng 1,2 triệu đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái hiện tại.)

Tổng Quỹ Giải thưởng Đột phá dành cho các giải thưởng năm nay là 15,75 triệu USD.

Theo Live Science