> Ra văn bản sai: Phải xử lý cả lãnh đạo
> Phải hạn chế ủy quyền lập pháp
Luật sư Lê Đức Tiết (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) nhận xét như vậy tại buổi tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật (QPPL) năm 2008, được tổ chức hôm qua (14/5).
Luật sư Lê Đức Tiết cũng cho rằng, pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, khó kiểm tra là “mầm mống” của rối loạn, không công khai, minh bạch là “mảnh đất” để quan chức bóp nặn dân. Các qui định pháp luật nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa nên pháp luật như một “mớ hàng xén”.
“MTTQ cần được quyền kiến nghị chương trình làm luật, không để tình trạng cơ quan nào mạnh thì đưa dự thảo pháp luật vào chương trình. Những đạo luật trái với Hiến pháp thì MTTQ phải thay mặt nhân dân để chỉ ra và phản ánh với Quốc hội, loại trừ tình trạng lạm dụng quyền lực trong việc ban hành các văn bản QPPL”- luật sư Tiết đề xuất.
Ông Nguyễn Quang Minh (Trưởng ban Dân chủ- Pháp luật, Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam) cũng đánh giá việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào các dự án luật còn hình thức. Phần lớn các văn bản QPPL khi xây dựng chỉ được đưa ra lấy ý kiến của một số cơ quan ban ngành có liên quan ở T.Ư. Nhiều dự án luật chưa thực sự huy động được sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chủ thể khác nhau.
“Việc góp ý chỉ là một chiều và hình thức, thiếu cơ chế về trách nhiệm phản hồi. Các cơ quan chủ trì soạn thảo có tiếp thu, tiếp thu ở mức độ nào hoặc không tiếp thu thì cơ quan gửi văn bản góp ý kiến không được biết. Thời gian gửi lấy ý kiến thường rất gấp không bảo đảm quy định. Hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến nhiều dự án không đầy đủ, sơ sài, thiếu các thông tin cần thiết”- ông Minh nhận xét.
Để tránh tình trạng ban hành văn bản QPPL không đúng về đối tượng, sai thể thức, không đúng thẩm quyền, phần lớn các ý kiến cho rằng quy trình xây dựng và ban hành văn bản cần phải được thực hiện dân chủ; phải công khai lấy ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, nhất là đối tượng liên quan trực tiếp, chịu sự tác động của văn bản.