- Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 32 của HĐND Thành phố về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND Thành phố và sau một năm thực hiện các Nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô, thời gian qua, HĐND Thành phố đã tăng cường hoạt động giám sát đối với UBND, các sở ngành, quận, huyện, thị xã, trong đó có giám sát thông qua hình thức chất vấn trực tiếp tại hội trường.
Toàn cảnh phiên họp sáng nay. Ảnh: Viết Thành
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND Thành phố (tháng 12/2013), Chủ tọa kỳ họp đã kết luận, đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung quan tâm giải quyết 29 nội dung đã được đại biểu chất vấn, tái chất vấn tại kỳ họp, thể hiện ở 3 nhóm vấn đề về: Kinh tế - Ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; Quản lý đất đai; Văn hóa – xã hội và dân sinh (an toàn thực phẩm ); đồng thời chỉ đạo giải quyết 296 kiến nghị của cử tri Thủ đô tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 8. UBND Thành phố đã trả lời bằng văn bản và đã gửi tới các đại biểu.
Trước khi thực hiện nội dung chất vấn tại kỳ họp này, HĐND Thành phố đã nghe ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện các kết luận trên của Chủ tọa tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND Thành phố.
Sau khi nghe báo cáo của UBND Thành phố, các đại biểu Tuấn Thịnh, Phạm Thị Thanh Mai, Nguyễn Nguyên Quân, Nguyễn Đình Dương, Trần Thị Vân Hoa, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Thị Thùy đề nghị làm rõ thêm việc giải quyết nợ XDCB, đặc biệt là ở những dự án ngoài kế hoạch; việc công khai, giải quyết các dự án BT bị dừng triển khai, các dự án bị thu hồi; hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát các dự án có sai phạm, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này; giải pháp khắc phục tình trạng hoạt động của các chợ cóc, chợ tạm...
Trả lời vấn đề nợ đọng XDCB được nhiều đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Ngô Văn Quý cho biết, nợ ngoài kế hoạch hiện có 3 huyện là Đan Phượng với 39 dự án, Phúc Thọ có 9 dự án, Mỹ Đức có 1 dự án. Hiện nay, TP đang giao Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện việc nợ đọng XDCB, trong đó cả nợ ngoài kế hoạch, Thành phố sẽ có biện pháp xử lý sau khi có kết luận của Thanh tra.
Về bố trí nguồn giải quyết nợ XDCB, năm nay, trong dự toán thu chi đã bố trí giải quyết phần lớn số nợ này, đảm bảo giải quyết 59%, trong đó chú trọng bố trí vốn giải quyết nợ cho những công trình chuyển tiếp, hoàn thành. Đến ngày 30/6/2014, toàn Thành phố đã giải ngân được 54%.
Để tạo động lực cho các huyện có số nợ lớn tăng nguồn thu trả nợ, Thành phố sẽ tăng cường đấu giá ở các huyện này và để lại 100% nguồn đấu giá này cho các huyện; các khoản nợ liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới cũng sẽ được rà soát và nhận hỗ trợ từ Thành phố…
Về việc rà soát các dự án BT, Thành phố đã có văn bản thông báo về những dự án bị dừng cho các nhà đầu tư. Thành phố cũng đã thành lập tổ công tác và trực tiếp mời 6 nhà đầu tư đã có dự án triển khai nhưng phải dừng để thỏa thuận về điểm dừng kỹ thuật. Trong các dự án bị dừng, có 3 dự án thuộc công trình trọng điểm.
Chưa hài lòng với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Văn Nam cho rằng, thông tin mà Giám đốc Sở cung cấp “không có gì mới”, việc theo dõi, chấp hành quy định trong đầu tư của Thành phố đang “có vấn đề”, các giải pháp đề ra cũng mới chỉ mang tính tình thế. Tới đây, năm 2015, khi thực hiện phân cấp nguồn thu-chi theo ngân sách mới, đại biểu Nam đề nghị cần quan tâm nguồn thu cho các quận, huyện phải đảm bảo đáp ứng nguồn chi, đặc biệt ở các quận, huyện khó khăn. Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cũng đề nghị làm rõ thêm về thời hạn có kết luận thanh tra.
Về việc này, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho biết, năm sau, UBND Thành phố sẽ rà soát lại nhiệm vụ phân cấp, gắn với nhiệm vụ chi. Thanh tra Thành phố cũng đã tổng hợp xong và đang rà soát lại nợ XDCB, trong tháng 7 hoặc đầu tháng 8 sẽ có kết luận thanh tra.
Trả lời các câu hỏi tái chất vấn của đại biểu HĐND thành phố về công tác quản lý đất đai, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, mục đích chính việc thanh tra quản lý sử dụng đất đai là nhằm đưa đất vào sử dụng có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, rà soát dự án từ năm 2009-2013, trong hơn 800 dự án được rà soát, phân loại, ngoài các dự án đã chấp hành pháp luật, trong số 352 dự án có dấu hiệu vi phạm, có 160 trường hợp đã tự đưa đất vào sử dụng, thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Từ nay đến cuối năm, có 20 trường hợp đã hoàn thành việc thanh, kiểm tra và dự kiến sẽ được thu hồi. Hiện Thành phố đã lập hồ sơ xong 15 dự án với 23ha; hoàn thành thu hồi 1 dự án với diện tích 3 ha.
Về nguyên nhân dự án chậm triển khai, đưa vào sử dụng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết là do khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian dài; chủ đầu tư năng lực hạn chế; Thành phố tiến hành rà soát để thực hiện quy hoạch sau khi mở rộng địa giới hành chính… Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục sàng lọc dự án, trong đó siết chặt việc quy định năng lực đầu tư, ký quỹ đầu tư khi triển khai dự án, thẩm định việc chấp hành đầu tư của chủ đầu tư với các dự án đã từng được giao triển khai…
Giám đốc Sở cũng cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ công bố công khai các dự án vi phạm, chậm triển khai trên cổng thông tin điện tử Thành phố và trang web của Sở, Bộ Tài nguyên Môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Làm rõ thêm vấn đề giải quyết chợ cóc, chợ tạm, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, Sở đã tổng kiểm tra, rà soát và thống kê được 209 tụ điểm. Với sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết tình trạng này, đến nay còn 88 tụ điểm, trong đó tập trung ở quận Đống Đa với 13 tụ điểm, Hai Bà Trưng với 13 tụ điểm, Hoàng Mai với 9 tụ điểm, Nam-Bắc Từ Liêm với 22 tụ điểm... Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tổng kiểm tra các chợ của Hà Nội, qua đó thấy rằng vấn đề phòng chống cháy nổ tại các chợ hết sức bức xúc, nhiều chợ bố trí quầy hàng tùy tiện, lối đi cứu hỏa bị lấn chiếm, một số chợ vẫn cho thắp hương tại quầy hàng…
Khép lại các nội dung tái chất vấn những vấn đề của kỳ họp trước, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh nhận xét, các nhóm giải pháp giải quyết vấn đề của các sở, ngành khá đầy đủ, quan trọng là khâu tổ chức thực hiện và sự phối kết hợp giữa các sở, ngành cần hiệu quả hơn nữa, trong đó cần sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ UBND Thành phố.
Tiếp đó, HĐND Thành phố chuyển sang chất vấn các nội dung của kỳ họp thứ 10.
Trong quá trình chuẩn bị kỳ họp thứ 10, qua các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri và qua theo dõi các vấn đề đang được nhiều cử tri, dư luận quan tâm, tính đến ngày 08/7/2014 các vị đại biểu HĐND thành phố đã gửi tới kỳ họp HĐND 31 câu chất vấn và 2 câu tái chất vấn. Thường trực HĐND đã tổng hợp, chuyển đến UBND Thành phố và các sở, ngành liên quan để trả lời theo thẩm quyền.
Về nhóm vấn đề khoa học công nghệ và môi trường, các đại biểu đề nghị UBND thành phố báo cáo hiệu quả của đầu tư kinh phí vào lĩnh vực KHCN từ đầu nhiệm kỳ đến nay; nguyên nhân và trách nhiệm của việc sản phẩm tàu nạo vét bùn thuộc đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của thành phố Hà Nội” đã bàn giao 4 năm song vẫn chưa đưa vào vận hành, sử dụng chính thức; tình hình thực hiện xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp; hiệu quả của các công trình xử lý chất thải tại các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung do Sở Công thương làm chủ đầu tư bằng ngân sách thành phố; việc khắc phục tình trạng chủ đầu tư không xây dựng khu xử lý nước thải và việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật tại các dự án nhà ở chung cư cao tầng, khu đô thị.
Liên quan đến nội dung thuộc thẩm quyền trả lời, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Rao cho biết, kinh phí đầu tư vào lĩnh vực KHCN từ đầu nhiệm kỳ đến nay là hơn 23.000 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, đã có gần 100 đề tài, dự án được đưa vào sử dụng; hỗ trợ hơn 570 xã, phường được cấp chứng nhận ISO; hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, tập thể và chỉ dẫn địa lý cho 24 sản phẩm đặc sản của các làng nghề truyền thống và các sản phẩm cây, con đặc sản trên địa bàn; tham mưu UBND Thành phố ban hành 17 văn bản cơ chế, chính sách, mang lại hiệu quả trong quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN…
Về việc sản phẩm tầu nạo vét bùn thuộc đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của thành phố Hà Nội” đã bàn giao 4 năm song vẫn chưa đưa vào vận hành, sử dụng chính thức, Giám đốc Sở cho biết, nguyên nhân chính là do chưa xây dựng định mức, đơn giá cho sản phẩm.
Để xử lý tồn tại này, UBND Thành phố đã có cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Ngày 28/6/2014, tàu đã được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, để có cơ sở xác định định mức, phải đưa tàu vào chạy ổn định trong thời hạn 1 tháng. Dự kiến trong tháng này Thành phố sẽ hoàn thành việc xác định định mức làm cơ sở đưa tàu vào khai thác, sử dụng.
Để các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng trong thực tiễn và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, Thành phố hiện đang thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện có, đưa quỹ phát triển KHCN của Thành phố vào hoạt động, tạo điều kiện cho các nhà khoa học theo đuổi các công trình nghiên cứu; có chính sách sử dụng, khai thác các kết quả nghiên cứu, khắc phục tình trạng phải chờ định mức, đơn giá mới đưa vào sử dụng, gây lãng phí đầu tư. Đồng thời, đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước, phát huy vai trò tư vấn, phản biện của 12 Ban chủ nhiệm chương trình KHCN cấp Thành phố, đẩy mạnh hình thành các viện, trung tâm nghiên cứu trong các doanh nghiệp lớn; đẩy mạnh việc tiếp thị đặt hàng các công trình nghiên cứu từ phía doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu; mở rộng quan hệ quốc tế…
Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Thanh Mai, Trần Thị Vân Hoa, Lê Văn Hoạt, Tùng Lâm, Tuấn Thịnh, Nguyễn Văn Diên… chưa hài lòng với kết quả của KHCN Thủ đô. Qua 2 lần giám sát năm 2012, 2013, các ban của HĐND Thành phố đã đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục những bất cập trong công tác nghiên cứu KHCN của Thành phố, đặc biệt là việc chậm đưa tàu hút bùn vào sử dụng, việc khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp “đặt hàng” sản phẩm KHCN, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai có hiệu quả.
Trước băn khoăn, bức xúc của các đại biểu với tàu hút bùn, Giám đốc Sở cho biết, tàu hút bùn vẫn đang hoạt động tốt, không mất nhiều kinh phí để khắc phục duy tu và đang được chạy thử để đánh giá định mức. Dự kiến hết tháng 8 sẽ xong các khâu định giá, đánh giá định mức để chính thức đưa vào sử dụng.
Về hiệu quả hoạt động KHCN, theo giám đốc Sở, đây là hoạt động có tính rủi ro cao, trong báo cáo của Sở đã có nhiều đánh giá định tính, định lượng cụ thể. Sở cũng đã rất nỗ lực trong việc xúc tiến tìm hợp đồng đặt hàng dự án KHCN từ các tổ chức, doanh nghiệp.
Kết luận phần chất vấn của Giám đốc Sở KHCN, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị, Sở cần nâng cao hơn nữa hiệu quả nghiên cứu KHCN và đưa các sản phẩm KHCN vào cuộc sống; làm tốt hơn vai trò tham mưu để có cơ chế đặt hàng các sản phẩm nghiên cứu KHCN, nên theo hình thức khoán trọn gói theo hợp đồng; sớm thành lập Quỹ KHCN của Thành phố và có quy chế để quỹ hoạt động hiệu quả; công khai danh mục các đề tài KHCN để phát huy trí tuệ tập thể toàn xã hội; việc bố trí ngân sách nghiên cứu các đề tài cần tuân thủ luật ngân sách và các luật liên quan; có đánh giá khái quát về đề tài tàu hút bùn, làm rõ trách niệm của từng cá nhân trong việc để sản phẩm chậm đưa vào sử dụng.
Chiều nay, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố khóa XIV tiếp tục với phần trả lời của Giám đốc Sở Công thương và Sở Xây dựng.
Theo Vân An