Làn sóng cải cách lần thứ 2
Hơn 30 năm trước, nền kinh tế Việt Nam bước vào “làn sóng cải cách đầu tiên”. Khi đó, với quyết tâm cải cách, đổi mới, chuyển nền kinh tế từ tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường, chúng ta đã tạo nên nhiều kỳ tích, đưa một đất nước đói nghèo, bị chiến tranh tàn phá, trở thành một nước có thu nhập trung bình (dù còn ở trình độ thấp).Việt Nam được nhắc đến như một mẫu hình chuyển đổi thành công.
Đặc biệt, thế hệ doanh nhân tư nhân Việt Nam-những hình ảnh tiêu biểu của nền kinh tế Việt Nam Đổi mới đã xuất hiện, ghi những dấu ấn lớn trong sự đổi mới của đất nước, từ tốc độ tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu… cũng như trong các thành quả của hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, sau hơn 30 năm đổi mới, sau 15 năm khai sinh cộng đồng doanh nhân Việt Nam, đây có lẽ là thời điểm thích hợp các DN Việt có thể hợp sức làm nên những công trình có tầm vóc lịch sử này.
Ông Vũ Tiến Lộc
Thế nhưng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số. Việt Nam không thể đứng ngoài. Chúng ta đã chứng kiến làn sóng phát triển công nghệ, sự lấn át những phương thức kinh doanh mới: Kết nối công nghệ trong dịch vụ vận tải, lưu trú du lịch; các dịch vụ cung cấp nghe nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình trên internet; dịch vụ quảng cáo thông qua các mạng xã hội… Đã có những lấn cấn từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong ứng xử với các mô hình này.
Nhưng đó cũng chính là cơ hội để DN Việt tận dụng lợi thế đi sau để đi nhanh hơn trong phát triển. Đây là lúc chúng ta cần một làn sóng cải cách mới- cải cách về tư duy phát triển, sẵn sàng chấp nhận những mô hình, ý tưởng kinh doanh mới… để tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.
Vì sao DN Việt chưa “lớn” lên?
Khu vực kinh tế tư nhân đang là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất trong nền kinh tế. Đây cũng là khu vực mưu sinh cho hàng chục triệu gia đình, đóng góp 40% GDP của nền kinh tế và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng.
Dù vậy, phải thẳng thắn, năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân nói chung, của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng còn yếu, năng suất thấp, khả năng kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu hạn chế.
Cùng đó, ở Việt Nam tỷ lệ “10-20-30” là bức tranh tổng thể và khá bất thường của khu vực kinh tế tư nhân. Quả thực, DN tư nhân chính thức trong nước chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP, 20% thuộc về FDI và 30% GDP là các hộ kinh doanh cá thể - khu vực không chính thức.
Các DN Việt đã không thể lớn lên như kỳ vọng trong suốt tiến trình cải cách những năm qua. Trong số 700 nghìn DN đăng ký chính thức đang hoạt động, nhưng DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 93,5%.
Nhưng điều trăn trở hơn cả là chúng ta chưa có được một thế hệ DN, doanh nhân thực sự, có năng lực, có phẩm chất và có khả năng hội nhập.Trong cộng đồng doanh nhân Việt, có những doanh nhân tiêu biểu, có một số người tiên phong trong các ngành, lĩnh vực, kể cả công nghệ cao… nhưng vẫn chưa đủ sức để tạo thành các đầu kéo.
Khi xác định kinh tế tư nhân là động lực và “rường cột” của nền kinh tế nước nhà, phải có môi trường để DN mong muốn lớn mạnh, có khát vọng hình thành các đầu tàu, từ đó thúc đẩy sự hình thành một thế hệ doanh nhân mới.
Thoát bóng “quan hệ”, tiến tới chuẩn mực toàn cầu
Vậy, làm sao để DN “lớn” lên?Đảng đã xác định 3 mũi đột phá: cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó thì cải cách thể chế giữ vai trò nền tảng.
Tuy nhiên, dù có nhiều thành tựu, nhưng những nỗ lực cải cách thể chế vẫn đang loay hoay ở trạng thái cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thực tế, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới vẫn ở mức “thường thường bậc trung”, vẫn còn một khoảng cách khá xa so với nhóm 3-4 nền kinh tế hàng đầu ở ASEAN và càng xa so với chuẩn mực của các nền kinh tế phát triển (OECD).
Thứ hạng năng lực cạnh tranh thể chế của Việt Nam ở những lĩnh vực quan trọng nhất của môi trường kinh doanh như: Khởi sự doanh nghiệp, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới, giải thể và phá sản DN… đang xếp ở nhóm trung bình thấp của thế giới, thứ hạng trên 100/190 nền kinh tế được WB xếp hạng.
Trong khi đó, chúng ta đang mong muốn bắt kịp, đi cùng, thậm chí vượt lên ở một số ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế số.
Do vậy, để làm được điều đó, Việt Nam vào thế phải thay đổi, thậm chí phải bứt phá, phải có thể chế vượt trội mới có thể không bị tụt hậu, mới có thể đạt được mục tiêu vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Cũng chỉ khi đó, DN, doanh nhân Việt Nam mới thoát được tâm lý làm ăn dựa vào quan hệ, dựa vào xin - cho, để tuân thủ chuẩn mực kinh doanh của thế giới, tham gia vào cuộc đua công nghệ…
Ngay cả với các DN nhỏ, siêu nhỏ, minh bạch, chuẩn mực cũng phải là các điều kiện cần để hoạt động vì trong nền kinh tế số, họ chính là những nhân tố quan trọng trong hội nhập…
Đặc biệt, đã đến lúc chúng ta không cần phải rạch ròi các thành phần kinh tế, phân định giữa DN tư nhân, DN nhà nước, bởi mục tiêu hoạt động của các DN đều vì sự phát triển của nền kinh tế, của đất nước.
Hợp sức công-tư làm công trình biểu tượng
Đối tác công tư (PPP) là một cơ chế mới để cộng sinh hài hoà giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước. Tư nhân chung tay với nhà nước trong việc phát triển các cơ sở hạ tầng của nền kinh tế và trong mọi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Ở nước ta, những năm tới chỉ riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầngcần ít nhất 20 tỷ đô la mỗi năm. Trong điều kiện mà nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, ODA không còn, đối tác công-tư và việc huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng.
Cùng đó, hình thức PPP cần được mở rộng ra các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt và bảo đảm yêu cầu tự chủ của nền kinh tế. Mô hình kinh tế chia sẻ cũng cần được nghiên cứu áp dụng trong quan hệ nhà nước với tư nhân.
Thực tế, chúng ta cũng có những thực tiễn tốt về PPP trong cả nước, các mô hình “sở hữu công - quản trị tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”, dịch vụ thuê ngoài… ở một số địa phương và bộ ngành. Đây là các thành công cần được tổng kết và lan tỏa.
Các DN Việt hoàn toàn có thể chung tay với Nhà nước đóng vai trò chủ trì theo phương thức đối tác công-tư xây dựng các công trình lớn hàng đầu của đất nước: Tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay quốc tế Long Thành… và các dự án chiến lược khác. Đây là nguyện vọng của cộng đồng DN Việt, là trách nhiệm của họ với đất nước và cũng là cơ hội thị trường, cơ hội kinh doanh để họ có thể “lớn” lên.