Công bố quyết định tái thẩm của Tòa Tối cao vụ 'tù oan 10 năm'

Tòa án nhân dân Tối cao, vừa ban hành Quyết định tái thẩm về 2 bản án phúc thẩm tối cao và sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang năm 2004 đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, để điều tra lại từ đầu.

Ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, vừa ban hành Quyết định tái thẩm số 18/2003/HS-TT về 2 bản án phúc thẩm tối cao và sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang năm 2004 đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, để điều tra lại từ đầu.

Quyết định tái thẩm của Hội đồng thẩm phán, TAND Tối cao nêu rõ, căn cứ vào đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Chiến là vợ ông Nguyễn Thanh Chấn, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên - Bắc Giang cho rằng, người giết chị Nguyễn Thị Hoan, sinh năm 1972, vào ngày 15/8/2003 là Lý Nguyễn Chung, con trai ông Lý Văn Chúc (trú cùng thôn với ông Nguyễn Thanh Chấn), Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã tiến hành làm rõ. Qua đó, có chứng cứ khẳng định Lý Nguyễn Chung đã bỏ trốn vào miền Nam ngay sau khi xảy ra vụ án và đang sinh sống cùng vợ con tại tỉnh Đắc Lắc

Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú, khai nhận hành vi dùng dao giết chị Hoan vào đêm 15/8/2003. Sau khi chị Hoan chết, hung thủ đã tháo 2 chiếc nhẫn vàng trên tay bị hại và lấy đi 59 ngàn đồng.

Ngoài lời khai của Chung, bà Nguyễn Thị Lành là mẹ kế Chung đã khai, khi bà nhận thấy quần áo của Chung ở trong chậu có máu, bà nghĩ vụ án mạng là do Chung gây ra nên bà đã hỏi Chung và Chung thừa nhận. Hai ông bà Chúc - Lành đã bảo Chung tạm lánh về Lạng Sơn.

Bà Hoàng Thị Xướng, chị dâu Chung khai: “Vào năm 2003, Chung lên Lạng Sơn kể với gia đình đã đánh chết một người phụ nữ có con nhỏ ở Bắc Giang”. Bà Xướng thấy Chung gửi anh trai Chung là Lý Văn Phúc 2 chiếc nhẫn vàng (một chiếc vàng ta và một chiếc vàng tây).

Cơ quan điều tra VKSNDTC cũng đã yêu cầu Chung vẽ mô tả lại con dao bấm, vẽ sơ đồ vị trí vứt chuôi dao, lập biên bản kiểm tra thân thể Chung. Xác định, trên tay trái của Chung có 2 vết sẹo cũ.

Toà Tối cao nhận định, bản tự thú và những lời khai của Lý Nguyễn Chung, lời khai của những người liên quan là những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án mà toà án cấp sơ thẩm cũng như cấp phúc thẩm đã không biết khi ra bản án xét xử Nguyễn Thanh Chấn về tội “giết người”.

Vì lẽ đó, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao đã quyết định huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1241/PTHS ngày 27/7/2004 của Toà phúc thẩm TANDTC Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 45/HSST ngày 26/3/2004 của TAND tỉnh Bắc Giang đối với Nguyễn Thanh Chấn, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

Trong một diễn biến khác, vào sáng nay 19/11, ông Nguyễn Thanh Chấn đã cùng vợ là bà Nguyễn Thị Chiến từ Bắc Giang lên Hà Nội, tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp lý Liên đoàn Luật sư Việt Nam để nhờ các luật sư tư vấn pháp lý trong việc đòi lại những quyền lợi, thiệt hại mà các cơ quan tố tụng đã gây ra cho ông Chấn và gia đình ông này.

Quyết định Tái thẩm của TANDTC.

Trao đổi với PV, ông Chấn cho biết: “Tôi và gia đình đã chịu nhiều đắng cay tủi nhục trong hơn 10 năm bị tù oan sai do các điều tra viên và đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang gây nên. Tôi đề nghị các luật sư tư vấn về mặt pháp lý để đòi lại những tổn hại mà gia đình gặp phải theo đúng chính sách và quy định của pháp luật Việt Nam”.

Luật sư Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn luật sư Việt Nam cho hay, chúng tôi đã cam kết đồng hành hỗ trợ, tư vấn pháp luật miễn phí đối với ông Chấn và gia đình trong việc đòi lại những quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại.

“Ông Chấn có quyền khởi kiện đòi bồi thường về những tổn thất về mặt vật chất và tinh thần liên quan trực tiếp đến ông này và những ảnh hưởng liên đới đến gia đình, người thân nếu họ chứng minh được là bị thiệt hại” - cũng theo luật sư Nga, cơ quan phải chịu trách nhiệm thoả thuận bồi thường những tổn thất cho ông Chấn là Toà án nhân dân Tối cao, vì cơ quan này là cơ quan định tội cuối cùng trong vụ xét xử án tù chung thân đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.

Theo Dân Trí

Theo Đăng lại