Hôm 10/8, TS Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nói rằng vắc-xin COVID-19 dù được cấp phép cũng chỉ đạt hiệu quả từ 50-60%, nghĩa là các biện pháp bảo vệ y tế cộng đồng vẫn cần thực hiện để khống chế dịch bệnh.
Nhiều chuyên gia khác cũng tỏ ra thận trọng khi nói đến vắc-xin COVID-19.
Những báo cáo mới nhất cho thấy có ít nhất 165 loại vắc-xin đang được điều chế trên khắp thế giới, bao gồm Nga, Mỹ, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc và Singapore. Gần 30 dự án đang ở các giai đoạn thử nghiệm khác nhau.
Nhưng điều chế vắc-xin không phải nhiệm vụ dễ dàng. Với công việc thường đòi hỏi 10-15 năm mới hoàn thành, các nhà nghiên cứu giờ đang đẩy nhanh tiến độ để vắc-xin sẵn sàng cho sử dụng khẩn cấp vào năm sau.
6 ứng viên vắc-xin giờ đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ ba và rất có triển vọng, TS Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện vắc-xin quốc tế của Singapore, nói trong chương trình The Conversation.
“Những vắc-xin đó kích hoạt phản ứng bảo vệ phù hợp. Chúng đều giúp khỉ không bị nhiễm bệnh…Vì thế, có nhiều bằng chứng tích cực cho thấy chúng có thể bảo vệ con người ít nhất trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng ta không thực sự biết hết”, TS Kim nói.
Ông dẫn ra ví dụ là vắc-xin do ĐH Oxford và hãng dược AstraZeneca hợp tác điều chế. Những nghiên cứu gần đây trên hơn 1.000 tình nguyện viên cho thấy vắc-xin này kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.
TS Kim cho biết nhóm nghiên cứu của ĐH Oxford đã làm được rất nhiều việc trong khống chế dịch Hội chứng hô hấp Trung Đông, Ebola và Chikungunya. Vì thế họ rất nhanh khi đưa vắc-xin COVID-19 vào thử nghiệm ở người.
Còn ông Sudarshan Jain, tổng thư ký Liên minh dược Ấn Độ, thừa nhận rằng virus gây ra đại dịch COVID-19 “rất xảo quyệt” và “khó đoán”, nên các nhà sản xuất dược phẩm “vẫn chưa hiểu hết về nó”.
Nhưng khi toàn bộ ngành công nghiệp dược đang chấp nhận thách thức này, có khả năng sẽ có 4-5 loại vắc-xin. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ đạt được điều đó vào năm sau”, ông Jain nói trong chương trình The Conversation.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn là liệu giới nghiên cứu đã có đủ dữ liệu về tính an toàn của vắc-xin hay chưa, vì chu kỳ phát triển bình thường đòi hỏi vắc-xin phải được thử nghiệm trong 5-10 năm chứ không phải 6 tháng.
Dù hàng ngàn đánh giá an toàn đã được thực hiện trong năm nay là khối lượng đáng kể, TS Kim cho rằng như thế vẫn chưa đủ để nói lên tất cả.
“Trong ngắn hạn, với việc vắc-xin sẽ được cấp phép để sử dụng khẩn cấp hay để bán ra thị trường, chúng ta cũng chưa có đủ thông tin về tính an toàn lâu dài như đối với các loại vắc-xin khác”, TS Kim nói.
Vì thế, ông cho rằng các nhà sản xuất cần theo dõi người được tiêm vắc-xin và giả dược trong thời gian dài hơn bình thường, có thể từ 2-3 năm, để phát hiện những tác dụng phụ mà quá trình thử nghiệm chưa kịp phát hiện.
Vắc-xin hiệu quả cao sẽ ngăn được 90% nguy cơ mắc bệnh. Nhưng các chuyên gia y tế hy vọng vắc-xin COVID-19 đạt hiệu quả ít nhất 50%, tương đương các loại vắc-xin phòng cúm.
Trong khi đó, thể giới đang tiến rất nhanh đến mốc 20 triệu người mắc COVID-19, sau khi Mỹ vượt qua mốc 5 triệu.
Hơn 730.000 trên khắp thế giới đã thiệt mạng từ khi virus corona mới được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12 năm ngoái.