Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 175 huyện Cô Tô không rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, Phòng Văn hóa-Thông tin và Du lịch huyện yêu cầu các cơ sở lưu trú, công ty du lịch trên địa bàn triển khai biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, không sử dụng túi nylon và đồ nhựa dùng một lần, thay thế chai nước dùng nhiều lần tại cơ sở. Đồng thời tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, sản phẩm tái chế.
Hiện tại, thị trấn Cô Tô vẫn duy trì các tổ tự quản vệ sinh môi trường tại khu dân cư, đồng thời ra quân dọn vệ sinh môi trường hằng tuần trên địa bàn.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa-Thông tin và Du lịch cho hay, các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành không thông tin tới du khách về việc thực hiện giảm thiểu nhựa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước mọi vấn đề phát sinh.
Huyện đảo Cô tô đang thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như: “Rác thải học đường” tại trường cấp 1-2 thị trấn Cô Tô; “Biến rác thành tiền” do Hội Phụ nữ khu 2, thị trấn Cô Tô đảm nhiệm; “Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường - không sử dụng đồ nhựa 1 lần” trong hoạt động kinh doanh tại Trung tâm Thương mại…
Được biết, huyện đảo Cô Tô đang thực hiện nhiều đề án về phân loại, xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa và rác thải sinh hoạt đảm bảo môi trường trong sạch, phù hợp định hướng phát triển du lịch bền vững.
Trước đó, từ tháng 7/2020, huyện đầu tư hệ thống lò đốt rác mới với công suất thiết kế 750 kg/giờ, xử lý được khoảng 70% lượng rác thải phát sinh trong ngày tại đảo Cô Tô lớn.
Từ tháng 8/2022, Cô Tô tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi nylon, đồ nhựa một lần trên đảo.
Đến 15/9/2023, huyện Cô Tô cấm du khách mang đồ nhựa dùng một lần lên các đảo.
Theo thống kê của huyện Cô Tô, mỗi năm, địa phương này đón từ 6.000-8.000 khách du lịch. Trước khi thử nghiệm việc ngừng sử dụng nhựa dùng một lần, vào những ngày cao điểm mùa du lịch, công ty môi trường phải thu gom lượng rác thải rất lớn, từ 15-17 tấn/ngày, tạo thành áp lực và gánh nặng cho môi trường huyện đảo, nhất là đối với các loại rác thải lâu phân hủy.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cho biết, Cô Tô là một trong những huyện đảo có những nỗ lực vượt bậc trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Các giải pháp cụ thể đã được triển khai bao gồm: Tuyên truyền tới từng hộ gia đình, người lao động, học sinh, các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, các chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chủ các khách sạn, nhà hàng, các hãng tàu vận tải, các ngư dân khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên biển, các cơ sở chế biến hải sản,… về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, môi trường biển.
Ký cam kết với các phương tiện vận tải khách, vận tải hàng hóa không vận chuyển túi nilon khó phân huỷ, đồ nhựa dùng 1 lần vào địa bàn huyện; Thực hiện thay thế sản phẩm nhựa; quản lý, thu gom phân loại và xử lý rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương.
Huyện đảo Cô tô đang thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như: “Rác thải học đường” tại trường cấp 1-2 thị trấn Cô Tô; “Biến rác thành tiền” do Hội Phụ nữ khu 2, thị trấn Cô Tô đảm nhiệm; “Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường - không sử dụng đồ nhựa 1 lần” trong hoạt động kinh doanh tại Trung tâm Thương mại…
Trong thời gian tới, để việc triển khai thực hiện Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” (Đề án 175) đạt hiệu quả, UBND huyện Cô Tô tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, yêu cầu cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu, tiên phong trong việc thực hiện, tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn.