Có thể sảy thai vì a dua phong trào vắt sữa non

Không phủ nhận những giọt sữa non đầu tiên tiết ra từ cơ thể người mẹ có tác dụng tuyệt vời đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc có được sữa non bằng mọi giá khiến nhiều bà mẹ tương lai đua nhau tự ý vắt sữa non tại gia, không màng tới chỉ định cũng như giám sát của các y bác sỹ. 
Thành quả vắt sữa non của một bà mẹ mang thai 34 tuần

Thời gian gần đây, trào lưu này không còn là sự rỉ tai mách nhỏ giữa các bà mẹ với nhau nữa mà nghiễm nhiên được công khai trên các trang mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt truy cập...

Vắt sữa non phòng... sinh non?

Theo chỉ dẫn nhiệt tình của một số bà mẹ tương lai, chúng tôi kích vào đường link của một trang mạng xã hội có tên Hội sữa mẹ (Betibuti) tự xưng là chuyên gia chuyên tư vấn, hướng dẫn phương pháp vắt sữa non trước khi sinh. Đề phòng việc sinh non cũng như sinh mổ buộc người mẹ phải cách ly với con nên nhiều bà mẹ tương lai tỏ ra đặc biệt quan tâm và làm theo hướng dẫn cách vắt sữa non trên trang mạng xã hội này.

Không hiếm những trường hợp đề phòng quá đà nên đã vắt sữa non sớm như trường hợp chị L.N - tiến hành vắt sữa ở tuần 34 và sau đó có dấu hiệu sinh non. Có những trường hợp tiến hành vắt sữa ở tuần 36, 37 và thấy xuất hiện những cơn gò nhẹ (co thắt tử cung) sau khi nhận những tác động kích thích từ bầu ngực. Chị Phương Vy (trú tại đường Đê La Thành - Hà Nội) cho biết, mình đã dừng việc vắt sữa non lại ngay bởi lo sợ tác động này khiến thai nhi bị ảnh hưởng, dễ sinh non. Cùng chung thắc mắc như chị Phương Vy, không ít các mẹ bày tỏ thắc mắc lên diễn đàn, như nick name T.L hay H.Y.N: "Mình cũng nhớ chống chỉ định vắt sữa non cho những trường hợp sinh non...". Tuy nhiên câu trả lời từ phía chuyên gia tư vấn này phần lớn là khẳng định như "đinh đóng cột" về những cơn gò trong thai kỳ không phải là dấu hiệu dọa sinh non và các bà mẹ chỉ cần tạm dừng quá trình thu hoạch sữa lại cho tới khi cơn gò qua đi là có thể tiếp tục vắt sữa (?!).

Bên cạnh một bộ phận không nhỏ những bà mẹ tỏ ra cuồng tín khi chạy theo trào lưu của vị chuyên gia này thì không ít người lo ngại cũng như phản đối việc vắt sữa non sớm không có sự giám sát của các y bác sỹ sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi. Taddy Trương là một ông bố trẻ đang sống và làm việc tại Đài Loan. Thời điểm anh cất công tìm hiểu việc vắt sữa non sớm là khi vợ chồng anh đang chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Nick name này tỏ rõ thái độ không đồng tình với việc chuyên gia của trang mạng xã hội Hội sữa mẹ khuyến khích tất cả các bà mẹ vắt sữa non. "Điều này chỉ áp dụng với một số trường hợp đặc biệt và dưới sự theo dõi, giám sát của bác sỹ...", Taddy Trương cho biết.

Bằng chứng nickname Taddy Trương đưa ra để phản đối vị "chuyên gia".

Trao đổi với phóng viên, nick name Taddy Trương sẵn sàng cung cấp các tài liệu anh đã tìm hiểu. Anh cho biết: "Khi thảo luận về vấn đề này, chúng ta cần tìm về các nghiên cứu gốc, tức là các bài báo khoa học được công bố trên các tập san chuyên ngành uy tín. Các bài báo thứ cấp được viết lại và đăng trên các trang báo mạng không có tính tin cậy cao, vì nó đã được viết lại theo ý kiến chủ quan của người viết...".

Cũng theo anh Trương, người đầu tiên phải nhắc đến là bà Sue Cox - chuyên gia về sữa mẹ. Các bài viết của bà có tính ảnh hưởng lớn đối với giới truyền thông, mặc dù đó không phải là công trình nghiên cứu độc lập. Khi bắt đầu đưa việc vắt sữa non trước khi sinh vào chương trình giảng dạy, bà công bố một bài trên Tạp chí khoa học Midwifery, tháng 11/2006. "Expressing and storing colostrum antenatally for use in the newborn period". Trong trường hợp này, bà sử dụng các nghiên cứu liên quan tới nguyên nhân cơn co thắt tử cung, dấu hiệu sinh sớm dựa trên cơ chế sản sinh và tác động của oxytocin. Đặc biệt, phần “thảo luận” trong bài báo của bà thường được truyền thông trích dẫn lại không hết, nên bị hiểu sai trong thực tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần quy trình thực hiện được bà Sue Cox viết rất rõ ràng, trong đó đặc biệt có phần phải liên hệ trước với hộ sinh, bệnh viện. Rõ ràng điều này là không thừa trong việc chuẩn bị cũng như hạn chế các rủi ro nếu bà mẹ nằm trong nhóm không an toàn. Đây cũng là một phần mà các bài hướng dẫn xuất hiện ở Việt Nam bỏ qua. Những nghiên cứu này đã được công bố tại một hội nghị vào năm 2008 như một ấn phẩm của hội nghị, cho biết đối tượng có thể khuyến khích vắt sữa non bao gồm: "Đối tượng là phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ loại 1 và loại 2" hay "Tuổi thai trung bình của trẻ có mẹ vắt sữa non trước khi sinh là sớm hơn 1 tuần so với nhóm không vắt sữa non (37,1 tuần và 38,2 tuần)…Tuy nhiên, trong kết luận của ấn phẩm này, bà không đánh giá việc vắt sữa non trước khi sinh có hệ quả gì không, chỉ yêu cầu các nhà khoa học cần đánh giá dữ liệu nghiên cứu một cách cẩn thận và lên kế hoạch cho các nghiên cứu về sau một cách chính thống hơn để có kết luận rõ ràng. Nguyên nhân vì bà cho rằng số lượng mẫu không đủ lớn (94).

Chân dung chuyên gia tự phong

Trước hàng loạt những bằng chứng được tìm hiểu từ nick name Taddy Trương, nhiều người tỏ ra hoang mang trước những luồng thông tin trái chiều nhau. Chị Nguyễn Tú Anh - một thành viên tích cực của Hội đã cung cấp cho PV Báo GĐ&XH những tài liệu về vị chuyên gia tự phong “Betibuti”.

Chuyên gia “Betibuti” và các chứng chỉ trưng ra trên diễn đàn.Ảnh: TL

Chị Tú Anh cho biết: "Theo thông tin vị chuyên gia này cung cấp công khai trên trang mạng xã hội của mình bao gồm "10 chứng chỉ tư vấn sữa mẹ chuyên nghiệp + 4 chứng chỉ hỗ trợ của Viện Sữa mẹ thế giới (International Institute of Human Lactation Inc.), đảm bảo các hướng dẫn và tư vấn của Betibuti có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và chuyên nghiệp".

   

Tuy nhiên, chỉ bằng một thao tác kích chuột đơn giản tìm kiếm trên Google thì tại trang https://www.health-e-learning.com/courses/breastedthực chất khóa học này nguyên văn "The aim of this program is to provide students with a comprehensive direction of study that will prepare them for the International Board of Lactation Consultant Examiners' (IBLCE) examination..." (tạm dịch ra là "Mục tiêu của khóa học này là hướng dẫn những hướng đi dễ hiểu để chuẩn bị cho kỳ thi lấy chứng chỉ tư vấn viên sữa mẹ quốc tế ...").

Trên thực tế, đây là một khóa học online với các mục tiêu để đáp ứng và vượt các điều kiện về học vấn cho các thí sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi của IBLCE để trở thành một tư vấn viên sữa mẹ. Tài liệu này chứng tỏ khóa học này chỉ có tác dụng... làm nền còn người tham gia các khóa học này chỉ mới có định hướng nghiên cứu để được là tư vấn viên sữa mẹ quốc tế chứ không hề là "chứng chỉ tư vấn sữa mẹ chuyên nghiệp" hay "chứng chỉ hỗ trợ" gì gì như "quảng cáo" của "chuyên gia" tự phong này cả.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, đây không phải là các chứng chỉ liên hoàn bắt buộc phải có, mà chỉ là các khóa học online nối tiếp nhau, mỗi khóa 1 tháng, để ai thiếu hay yếu hoặc muốn trau dồi mục nào sẽ học mục đó. Nội dung các khóa học đó chỉ đơn thuần vào việc nuôi con bằng sữa mẹ 100% , không hề có các kiến thức y khoa thường thức cơ bản như các bác sỹ phải được học ở trường. Vì thế nó không thể giúp người tham gia các khóa học này có thể tư vấn những phương cách ảnh hưởng tới các vấn đề sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh được.

"Không thể chỉ cần một vài khóa học online, hay chỉ tham gia một khóa học 90 giờ với giá 2,5 triệu đồng tiền Việt ở Malaysia là có thể tự nhận "chuyên gia" được...", chị Tú Anh bức xúc cho biết thêm.

Vắt sữa non quá sớm là rất nguy hiểm!

BS Nguyễn Việt Sơn (Bệnh viện Quân y 103) cảnh báo: "Việc tiến hành vắt sữa non quá sớm trước 36 tuần rất nguy hiểm bởi thai nhi vẫn đang trong quá trình phát triển. Nếu đầu ti bị kích thích liên tục sẽ gián tiếp gây nên những cơn co thắt tử cung hay còn gọi là các cơn gò đẩy thai ra ngoài dẫn đến sinh non. Mặt khác, việc trữ sữa non trong một thời gian dài mặc dù với điều kiện bảo quản lạnh như trong ngăn đá cũng sẽ làm mất tác dụng của sữa, thậm chí nguy cơ nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài vào nguồn sữa non đông lạnh này sẽ gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng...".



Theo Giadinh.net