Làm việc với Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp đã rất bức xúc khi cho rằng, đây là bất công đối với doanh nghiệp tư nhân bởi trong khi họ làm ăn vất vả, phải nộp tiền thuê mặt bằng rất lớn thì ngược lại, Khu LHTTQG Mỹ Đình nợ tiền thuê đất lên tới hơn 314 tỷ đồng, chưa kể 70 tỷ đồng tiền thuế.
314 tỷ đồng lớn hay nhỏ thì chỉ Khu LHTTQG Mỹ Đình và cao hơn là Bộ VH-TT&DL trả lời được. Ở đây tôi chỉ xin kể một câu chuyện.
Lãnh đạo ngành thể thao và LĐBĐVN (VFF), nhiều người rất tâm tư mỗi khi thành tích không được như mong muốn. Đặc biệt mỗi khi đội tuyển bóng đá nam thi đấu không thành công, sự chỉ trích của công chúng và người hâm mộ thường thì “VFF làm ăn không ra gì, tốn tiền ngân sách nhà nước”.
Trong khi đó mỗi năm, ngân sách Tổng cục TDTT rót cho VFF không đến 20 tỷ đồng. Số tiền này chẳng thấm bao nhiêu so với khoản chi của VFF mỗi năm cho các ĐTQG, từ tập huấn nước ngoài tới thi đấu. Đơn cử như năm 2017, báo cáo cho biết VFF thu khoảng 150 tỷ đồng nhưng vẫn âm 7 tỷ.
Thế mà liền một lúc, Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa có thể xin nhà nước miễn giảm 314 tỷ đồng tiền thuê đất, phát sinh trong giai đoạn ông Nghĩa đang nắm quyền lãnh đạo ở Khu LHTTQG Mỹ Đình. Nếu ai đó quên thì tôi xin nhắc, ông Cấn Văn Nghĩa sau khi nghỉ hưu, hiện là Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Có lẽ không hề vô cớ khi vừa qua, bầu Đức đã tuyên bố thẳng không bao giờ bầu ông Cấn Văn Nghĩa vào vị trí trên.
Số tiền 314 tỷ đồng tiền thuê đất Khu LHTTQG Mỹ Đình có thể tương đương nguồn thu trong 2 năm của VFF, và bằng gần cả mục tiêu tài chính của nhiệm kỳ 8 ông Cấn Văn Nghĩa hứa hẹn trong ngày đắc cử. Tiền có thể kiếm được, nhưng cái lớn hơn cả là niềm tin của công chúng đối với sự minh bạch của bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh các ĐTQG đang thành công và hứa hẹn sẽ còn duy trì được thành tích tốt nếu được quan tâm đầu tư đúng mức.