Tâm điểm chú ý trong phiên dành cho nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Lực cầu đổ vào những mã này đã giúp KPF, DC4, EVF, PTL TCO, POM… sớm tăng kịch trần ngay từ đầu phiên.
Một số cổ phiếu ngành thép cũng thu hút nhà đầu tư như TLH, POM tăng trần, SMC tăng 4,8%. Hai anh cả ngành thép là HPG, HSG trong phiên sáng cũng có mức tăng ấn tượng, với thanh khoản thuộc nhóm dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, vào cuối phiên, hai mã này đã đảo chiều giảm về mức tham chiếu.
Trong phiên đáo hạn phái sinh, tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn. Bước sang phiên chiều, khi lực đỡ không còn, thị trường trở nên tiêu cực. Áp lực bán tăng mạnh đã khiến hầu hết các nhóm ngành đều nhuốm đỏ. Trong đó, bán lẻ, chứng khoán, công nghệ thông tin là 3 nhóm giảm mạnh nhất.
Sau đà tăng liên tục, cổ phiếu chứng khoán bị bán mạnh, với giá trị giao dịch đạt hơn 5.300 tỷ đồng. Trong đó, SSI giảm gần 5% và có khối lượng khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 49,1 triệu đơn vị, VCI giảm 5,6%, CTS giảm 5,2%, FTS giảm 5,1%, VND giảm 4,2%, VIX giảm 3,5%.
Các nhóm vốn hóa lớn như bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm đều “dắt tay” đi xuống. Nhà đầu tư hôm nay không buồn bắt đáy. Trong rổ VN30, có tới 24 mã chìm trong sắc đỏ. Trong đó, các trụ lớn như VCB, VIC, GAS, SSI, BID, MWG... đều đồng loạt giảm, gây áp lực đến thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,37 điểm về còn 1.212,7 điểm, HNX - Index giảm 2,95 điểm về 251,8 điểm, Upcom giảm 0,91 điểm về 92,42 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 481 mã giảm, gấp 4 lần số mã tăng.
Thanh khoản thị trường đạt hơn 26.700 tỷ đồng, với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu được trao tay. Khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp hơn 360 tỷ đồng, trong đó tập trung các mã HPG, KDH, GEX.
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dòng tiền đang có dấu hiệu phân hóa khá rõ nét khi chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Rủi ro ngắn hạn vẫn còn, cho nên các nhà đầu tư vẫn chưa nên vội mua mạnh trở lại giai đoạn hiện tại.