Có nên hát dân ca, lướt ván trên Hồ Gươm?

TP - Nhằm sinh động hóa những hoạt động trên Hồ Gươm, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội đã lên ý tưởng cho các hoạt động nghệ thuật trên mặt Hồ Gươm như: Hát dân ca trên thuyền rồng, dải chiếu đi trên mặt nước… Ý tưởng này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ các chuyên gia.
Một buổi biểu diễn quan họ tại hồ Văn, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho biết, ban lãnh đạo Sở đã họp lên ý tưởng cho cả những chương trình trên mặt Hồ Gươm như: Huyền thoại Hồ Gươm kể về sự tích vua Lê trả gươm, hát dân ca trên thuyền rồng trên Hồ Gươm. Thậm chí cả những hoạt động thể thao trên mặt nước cũng được nghĩ tới như: Dải chiếu đi trên mặt nước… tất cả đã có ý tưởng, đang tiếp tục làm để báo cáo thành phố.

Việc tổ chức các chương trình nghệ thuật trên mặt Hồ Gươm ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số người dân tỏ ra bất bình vì Hồ Gươm là di sản được UNESCO công nhận, không thể trở thành nơi hợp xướng, chơi thể thao như Sở VHTT đề xuất.

Tuy nhiên, việc tổ chức nghệ thuật trên mặt Hồ Gươm lại được đa số các chuyên gia ủng hộ. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, từ cuối thế kỷ thứ 19, Hồ Gươm đã là nơi tổ chức đua thuyền thúng, đuổi vịt trên hồ… Sau đó đến thời bao cấp tiếp tục có các hoạt động thể thao như lướt ván, đua thuyền, chạy cano… Sau này các nhà sinh vật lo ngại các hoạt động như vậy sẽ ảnh hưởng đến rùa Hồ Gươm nên từ đó đến nay không còn sự kiện gì nữa. Theo ông Tiến, đến thời điểm này rùa Hồ Gươm đã không còn thì việc tổ chức các hoạt động như vậy cũng không có vấn đề gì, phù hợp với tình hình hiện nay. “Cá nhân tôi ủng hộ việc tổ chức các hoạt động trên hồ, như vậy sẽ tạo ra sự sinh động cho Hồ Gươm”, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nêu quan điểm.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng – Giám đốc chương trình Nghệ thuật, Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ý tưởng đưa những làn điệu hát dân ca trên Hồ Gươm giúp phô diễn nghệ thuật thị giác cũng như truyền thống văn hoá dân tộc với đông đảo người dân. Đặc biệt hoạt động này “tiếp thị” cực tốt với du khách quốc tế, bởi du khách quốc tế đến với khu vực này rất đông. Đây cũng là một cách giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo nên chân dung, diện mạo văn hoá quốc gia. Đối với những lo ngại phát sinh phản cảm khi tổ chức văn nghệ trên Hồ Gươm, chuyên gia này cho rằng, quan trọng là phương pháp làm, biểu diễn gì, tần suất ra sao… Sở VHTT phải là đơn vị quản lý chặt chẽ. Nên đưa các tiết mục có tiết tấu nhanh, chia thành nhiều tốp biểu diễn để thu hút du khách, tránh sự nhàm chán. Ngay cả việc đưa các môn thể thao vào cũng là điều đáng hoan ngênh.

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng chưa được đưa vào kế hoạch năm. Sau khi lên ý tưởng, Sở sẽ đưa ra chi tiết các hoạt động nghệ thuật biểu diễn để xin ý kiến các chuyên gia và cộng đồng. Trên cơ sở đó mới tổng kết để báo cáo thành phố. Lãnh đạo Sở VHTT khẳng định, tất cả các tiết mục biểu diễn sẽ được gắn với truyền thuyết về gươm báu “Thuận Thiên” của Vua Lê Lợi cùng việc trả gươm cho Rùa thần tại hồ. Đảm bảo sự thống nhất, phát huy tinh hoa các loại hình văn hoá dân tộc, đảm bảo sự linh thiêng cho khu vực Hồ Gươm.