Có một anh chàng vùng vẫy với giới hạn

TP - Mới gặp Kiên, ấn tượng đầu tiên là “cao to, đẹp trai như diễn viên”, ăn mặc nói năng khá lịch sự chứ không “phủi” như đa số nghệ sĩ.
Doãn Hoàng Kiên khi là họa sĩ (ảnh trên) và khi vào một vai trong phim “Những người trẻ tuổi” (ảnh dưới)

Chuyện thêm mới biết, hóa ra, chàng họa sĩ đang theo học cao học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (ngành nghệ thuật học) này vốn là diễn viên thực thụ. Kiên từng là diễn viên xiếc, và đóng phim nhựa.

Triển lãm “giới hạn” của Doãn Hoàng Kiên đang mở tại Việt Art (Yết Kiêu, Hà Nội) khiến công chúng ngạc nhiên bởi ngoài gần 60 bức sơn dầu vẽ những khuôn mặt người băn khoăn bị bó trong những đường khung chật, còn có tác phẩm sắp đặt với hàng trăm cây tre, sơn đỏ trắng như những barie.

Những barie này chỗ đan xen chồng chất, chỗ tua tủa dựng đứng, chỗ giăng kín trên đầu người xem. Triển lãm cá nhân đầu tiên này của anh được Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch – Việt Nam (CDEF) đánh giá cao và đứng ra tài trợ.

Bố Kiên là ông Doãn Ngọc Anh, diễn viên xiếc kỳ cựu trong gánh xiếc của cụ Tạ Duy Hiển từ thời xưa – trước giải phóng Thủ đô 1954. Con nhà nòi, năm 13 tuổi Kiên vào học trường xiếc, bắt đầu diễn từ năm 18 tuổi (1988). Ông Doãn Ngọc Anh truyền cho con tiết mục đánh gậy phi xoa. 

Phi xoa là một thứ binh khí cổ xưa, có nguồn gốc từ Trung Hoa, đây là một môn võ cương nhu phối hợp, không chỉ dùng tay mà phải dùng toàn bộ cơ thể để điều khiển binh khí. Đánh phi xoa là một tuyệt kỹ được những người mãi võ bán thuốc Sơn Đông ngày xưa dùng biểu diễn kiếm cơm trong các hội chợ.

Kể về thời đó, Kiên vẫn tiếc bởi cái nghề xiếc là nghề nghiệt ngã, đầy bất trắc đòi hỏi sức lực và tuổi trẻ, không thể làm mãi được. Anh nói môn đánh phi xoa trong làng xiếc Việt hiện thất truyền, không còn ai biết diễn nữa. Nếu có điều kiện, anh vẫn muốn truyền lại cho lớp sau.

Diễn đến năm 1998, đúng 10 năm, không chỉ phi xoa, Kiên còn diễn những tiết mục như “thăng bằng kiếm trên thang”,  “tung hứng tập thể”... Nhìn những bức tranh của Kiên, thật khó hình  dung họa sĩ này đã đoạt giải đặc biệt Liên hoan Xiếc Quốc tế lần thứ 16 diễn ra năm 1993 tại Pháp.

Nhưng chỉ một năm sau (1994), trong khi chuẩn bị sân khấu để diễn trong dịp khánh thành Nhà văn hóa tỉnh Cao Bằng, Kiên đã bị ngã từ trên cao khoảng 7m xuống. May mà không chết mà cũng không bị ngớ ngẩn – Kiên cười, giơ cho xem cánh tay trái đầy sẹo.

Chính trong thời gian dưỡng thương, anh đã ngẫm nghĩ về công việc của cuộc đời mình. Cũng trong thời gian này, anh  bắt đầu tiếp xúc với giới họa sĩ và biết xem tranh, rồi nhờ bạn bè hướng dẫn và mua bột màu về vẽ. Năm 1997, Kiên thi vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội nhưng đến lần thi năm 2000 mới đỗ, anh xin Liên đoàn Xiếc cho nghỉ không ăn lương để đi học mỹ  thuật.

Kiên nói, thời gian hút chết vì tai nạn nghề nghiệp, anh mới bắt đầu hình  dung ra những giới hạn của con người. Anh say sưa bày tỏ: Cuộc sống vốn hữu hạn, thế nhưng con người còn bị giới hạn và tự giới hạn trong hoạt động sống, trong ứng xử với nhau, trong tình cảm và trong cả ước mơ. Người ta tưởng rằng đó là sự an toàn, bình yên nhưng đó thật ra đó là điều đáng sợ.

Gần như bị ám ảnh bởi điều đó, từ năm 2004 đến nay, Kiên toàn vẽ những bức tranh dựa trên ý niệm này. Tham gia nhiều triển lãm nhóm nhưng anh vẫn canh cánh với “Giới hạn” như với một món nợ. Nhưng cũng có thể vì có quá nhiều dồn nén và tham vọng bày tỏ, nên triển lãm lần này hơi dàn trải với cả tranh giá vẽ và sắp đặt có phần gây loãng sự chú ý của người xem.

Không chỉ xiếc và họa, chàng trai này còn tham gia đóng phim. Anh đã vào vai khá chững chạc trong những bộ phim nhựa như: “Những người trẻ tuổi”; “Người sót lại của rừng cười” (chuyển thể từ truyện ngắn Võ Thị Hảo, đạo diễn Đức Hoàn); “Vua bãi rác” (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn), trong phim này Kiên đóng vai... họa sĩ. Đã có lời mời chuyển về nhà hát kịch Trung ương nhưng Kiên không nhận lời... Hiện nay đoàn làm phim “Trần Thủ Độ” cũng có lời mời Kiên vào một vai.

- Làm nhiều nghề như vậy, sống được không?

- May mà vợ em đảm đương được một cửa hàng bán quần áo nên việc em kiếm tiền không thành sức ép.

- Tranh có bán được?

- Ít lắm anh ạ. Thích thì làm thôi.

Vẽ hàng trăm bức tranh, bày đầy xưởng vẽ ở Xuân La, Xuân Đỉnh – thực chất là một căn nhà cấp 4 nằm cạnh nghĩa trang, có những hôm Kiên lặng lẽ ngồi cả đêm trong xưởng. Đến khi chuyển xưởng về Khâm Thiên, anh phải tự mình đẩy hàng xe cải tiến toàn tranh vào ngõ chợ. Người không hiểu nổi đam mê của nghệ sĩ chắc sẽ cười ruồi!

Một nghề thì sống, đống nghề thì chết. Câu đó có đúng với chàng trai không chịu ngồi yên này không, không rõ. Chỉ biết anh còn từng tham gia ban nhạc dân tộc của nhạc sĩ Lê Thanh Bảo với chân... đánh cồng chiêng! Trả xong món nợ “Giới hạn”, Kiên định làm cả mỹ thuật sắp đặt nơi công cộng, có thể kết hợp với xiếc, với âm nhạc...

Khá nhiều dự định, như một sự cựa quậy để vượt thoát, như lời anh: Vượt qua giới hạn thì lại gặp một giới hạn khác, tôi là hiện thân của giới hạn, gặp các giới hạn mỗi ngày.