Cơ hội lớn thu hút FDI vào công nghệ cao

TP - Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam thăng hạng trong thu hút FDI và đang đứng trước cơ hội rất lớn “hút vốn” lĩnh vực công nghệ cao, phát triển ngành bán dẫn.
Việt Nam đứng trước cơ hội lớn trong hút vốn FDI về lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh minh họa: Trọng Tài

Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT), 10 tháng đầu năm nay, vốn FDI vào Việt Nam tăng 14,7% so với cùng kỳ, đạt hơn 25,7 tỷ USD. Quảng Ninh vươn lên đứng đầu về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,1 tỷ USD.

Nếu như trong 9 tháng, Quảng Ninh chỉ cấp mới cho 18 dự án FDI với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt gần 810 triệu USD, thì đến tháng 10, tỉnh này đã cấp thêm giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án mới, với tổng vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD. Tỉnh vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện, tổng vốn đầu tư trên 750 triệu USD. Không chỉ vốn đăng ký tích cực mà vốn giải ngân cũng rất khả quan. 10 tháng, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, thăng hạng trong thu hút FDI. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia (cùng với Singapore, Malaysia) vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi. Nhiều tập đoàn công nghệ đã ghi dấu ấn hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Theo HSBC, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam. Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple mở rộng hoạt động.

Hơn một nửa số doanh nghiệp thực hiện khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý hơn nữa, 31% doanh nghiệp xếp Việt Nam vào top 3, trong đó 16% doanh nghiệp ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu.

Cơ hội phát triển

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, hiện tại, có nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến (đầu tư) các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Chính phủ, đưa công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những ngành công nghiệp tạo nên đột phá cho tăng trưởng.

Các nhà máy bán dẫn liên tục được thành lập. Vừa qua, nhà máy bán dẫn lớn thứ 2 miền Bắc của Tập đoàn Amkor tại Khu Công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) đã đi vào hoạt động. Hana Micron - “ông lớn” ngành bán dẫn Hàn Quốc khánh thành nhà máy đóng gói và kiểm định chất bán dẫn tại Bắc Giang. Dự án nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Cty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) có tổng mức đầu tư 440 triệu USD dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2025. Nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn mong muốn rót vốn vào Việt Nam. Chủ Tập đoàn Victory Gaint Technology (Trung Quốc) muốn đầu tư một dự án 400 triệu USD ở Bắc Ninh.

Marvell đã công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TPHCM. Samsung sẽ sản xuất linh kiện bán dẫn tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Thái Nguyên. Synopsys, NXP Semiconductors, Hanmi Semiconductor… cũng có các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam.

Mạng lưới bán dẫn Việt Nam cũng vừa đi vào hoạt động cách đây ít ngày, trong thời điểm khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Tại NIC, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất xây dựng đề án thành lập, và sẽ triển khai ngay các trung tâm thiết kế chip, trung tâm nghiên cứu, trung tâm đào tạo trong ngành bán dẫn, hydrogen, y tế.

Tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam, ông ST Lew, Phó Chủ tịch Tập đoàn Qualcomm bày tỏ tin tưởng, Việt Nam sẽ lựa chọn được phân đoạn phù hợp trong tổng thể chuỗi cung ứng. Bởi, không một công ty, hay quốc gia độc lập nào có thể đảm nhiệm hết toàn bộ chuỗi giá trị ngành bán dẫn. Đơn cử, một chiếc điện thoại thông minh có tới 165 thiết bị bán dẫn khác nhau.