Cô giáo mất cánh tay khi vượt 130km đến trường: Nỗi đau cô giáo Tiền

TP - Suốt 5 năm qua, cô giáo Trần Thị Bá Tiền đã quen với hành trình mỗi thứ hai đầu tuần thức dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị hành lý, đi xe máy 130km vượt qua những con đường dốc núi hoang vắng để đến với những học trò trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông (xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, Gia Lai).
Anh Công ở bên chăm sóc cô giáo Tiền tại bệnh viện

Sinh ra ở xã nghèo Đắk H’lơ (huyện Kbang, Gia Lai), ngay từ lúc nhỏ cô Tiền đã chịu thương chịu khó. Thương tính nết đảm đang, hiền lành, anh Nguyễn Văn Công  đã ngỏ lời xin cưới cô giáo Tiền vào năm 2005. Đôi vợ chồng nghèo chỉ có một mảnh ruộng nhỏ canh tác, mọi chi tiêu đều phải đắn đo tính toán. Sau khi sinh bé gái đầu lòng, cô Tiền tiếp tục đi học để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo.

Vượt lên hoàn cảnh

Năm 2014 cô Tiền về dạy ở trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Dù nơi làm việc cách nhà 130km nhưng với cô Tiền “có việc là quí lắm rồi. Cố gắng vài năm rồi xin lãnh đạo tạo điều kiện chuyển về gần nhà”. Hiểu được đam mê của vợ, nên mặc dù rất lo lắng đường sá vùng sâu cách trở, nguy hiểm nhưng anh Công vẫn động viên vợ làm việc. Bản thân anh ở nhà sẽ chăm lo chu đáo cho mẹ già 80 tuổi và 2 con gái.

Vậy là đều đặn mỗi sáng thứ 2 cô Tiền thức dậy từ 3 giờ sáng đi xe máy lên trường, nơi cô dạy học. Chứng kiến cảnh này, nhiều người bạn không cầm lòng được đến tận nhà khuyên cô Tiền tranh thủ chiều chủ nhật đi trước để không phải mò mẫm khi trời còn tối nguy hiểm, nhưng cô Tiền chỉ cười đáp: “Đi dạy cả tuần rồi, ở nhà chăm mẹ già và các con nhỏ được giờ nào hay giờ đó. Em cũng muốn vào trường từ hôm trước nhưng không nỡ ”.

Dù có vợ nhưng anh Công vẫn phải sống như cảnh “gà trống nuôi con”. Không có công việc ổn định nên nghe thấy chỗ nào cần người anh đều tìm đến xin việc. Từ rẫy cỏ đến chặt mía thuê, bốc vác. Cũng bởi thế mà hai cô con gái mới lên lớp 2 và lớp 7 đã biết cơm nước, chăm sóc bà nội. Vất vả nhưng anh Công chưa từng than vãn lời nào, chỉ mong vợ yên tâm dạy học. Mẹ già ốm yếu, con nhỏ đau sốt anh đều một mình gồng gánh.

Cuộc sống vất vả là thế, nhưng khi đến tối, tiếng cười cả gia đình này lại vang lên giòn giã khi liên lạc với nhau qua video điện thoại. Từ tay bố truyền sang bà, rồi tới các cháu, chiếc điện thoại là cầu nối yêu thương trong gia đình nhỏ này. Tối thứ Sáu, tất cả ra ngoài sân ngồi trông ngóng chị Tiền về cùng ăn cơm. Bữa cơm đầm ấm, hạnh phúc với những tiếng cười vui vẻ vang cả xóm 3 buổi tối cuối tuần. Đến sáng thứ hai chị Tiền dậy chuẩn bị đồ đạc lên đường khi cả gia đình đang say giấc ngủ. Thức dậy không thấy mẹ đâu, gia đình ấy lại trống vắng, lắm khi 2 con nhỏ thương lo cho mẹ, khóc nức nở.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông

Buổi sáng định mệnh

Như thường lệ, 3 giờ sáng, vào một ngày mưa tháng 9 trời rét, cô Tiền, năm nay 35 tuổi, thức dậy chuẩn bị đồ đạc. Băng qua con đường dài nhỏ hẹp đầy ổ gà, khi còn cách trường khoảng 10km, cô Tiền đã không may gặp tai nạn. Xe tải chở sắn cán qua dập nát cánh tay trái cô giáo. Dù đã cố gắng hết sức nhưng các y bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 vẫn phải làm điều không mong muốn - cắt bỏ phần cánh tay bị thương nát bấy. Dù nhiều người thân, đồng nghiệp đến động viên, tâm sự nhưng những giọt nước mắt vẫn cứ chảy mãi trên má cô Tiền.

Những ngày này cô Tiền vẫn đang được các y bác sĩ chăm sóc tận tình. Cô kể lại: Hôm đó sáng thứ 2, nghe thầy cô gọi điện thoại báo trời mưa nên không chào cờ, cô có thể đến trường muộn một chút cũng không sao. Khoảng 8 giờ kém, khi cách trường chỉ còn khoảng 10km có xe tải chở mì đi ngược chiều. Đường nhỏ, chiếc xe tải chiếm hết lòng đường, cô dừng xe  tấp vào bên lề. Tuy nhiên, do đường trơn nên cô trượt ngã, tay trái chống xuống đường, bị bánh xe tải chèn... 

Đã hơn một tuần qua, ngày nào anh Công cũng ở bên động viên vợ. “Điều đầu tiên khi Tiền tỉnh dậy là nhìn xuống cánh tay. Tiền hốt hoảng vừa khóc vừa nói giờ thì mất thật rồi, làm sao có thể lái xe đi dạy được nữa”, anh Công xúc động.

Theo anh Công, ngày 19/9 sức khoẻ vợ anh đã ổn định nhưng vẫn khó ngủ. Hiện các bác sĩ đang chờ cho hết dịch trong phổi, ổ bụng sẽ tiến hành mổ lại phần cánh tay vừa bị cắt bỏ. Khoảng một tháng nữa cô Tiền mới có thể xuất viện. Bây giờ, niềm động viên lớn nhất đối với cô Tiền là được gần các con.

Thầy Tống Văn Thu - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông cho biết, trường đóng trên địa bàn rẻo cao với đa phần là người dân tộc Ba Na sinh sống. Trong 30 giáo viên của trường người có nhà gần nhất cũng cách 50km, xa nhất là nhà cô Tiên. Tất cả đều sống ở khu tập thể của trường, mọi người rất yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Cứ thứ Hai các giáo viên đến trường và chiều thứ Sáu về nhà. Dù biết đường rừng nguy hiểm, nhưng rất ít giáo viên đi vào ngày Chủ nhật.

Theo thầy Thu, cô Tiền là người chuyên môn giỏi, sống tình cảm. Sau giờ dạy, cô Tiền thường lấy điện thoại gọi nói chuyện với con, chuyện trò được mấy câu là nước mắt ngắn, nước mắt dài. Đến chiều thứ Sáu, dù thời tiết như thế nào, cô cũng nhất quyết về nhà. Dù mọi người khuyên ngăn, nhưng cô Tiền nói: “Hai đứa con đang đứng ở cửa chờ em về. Tối mà không về chúng nó đứng chờ suốt, không chịu đi ngủ”. Nghe vậy, không ai dám can ngăn nữa.