Theo kế hoạch, Huyền sẽ ở lại Ấn Độ 3 tháng. Huyền lý giải: Ấn Độ là đất nước có nền văn hóa phong phú; đạo Hindu, Phật giáo xuất phát từ đây; người dân thân thiện... Đam mê hoạt động cộng đồng, có tình cảm đặc biệt với trẻ em nghèo, mồ côi nên khi tới Ấn Độ, Huyền muốn đến Calcutta, nơi mẹ Teresa cống hiến và hi sinh cả cuộc đời cho người nghèo khó.
Cô gái trẻ giàu nhiệt huyết muốn đi theo hành trình Phật giáo, qua Nalanda, Tây Trúc (Ấn Độ), qua Nepal đến dãy núi cao nhất hành tinh Himalaya. “Xem phim Tây Du Ký, ấn tượng tuổi thơ về một đất nước Phật giáo rất đặc biệt nên chuyến đi lần này em cố gắng thỏa trí tò mò”, Huyền nói.
Bước chân Huyền sẽ khám phá Mumbai, Bollywood của Ấn Độ, tìm hiểu Bangalore, nơi tập trung những bạn trẻ ngủ ngày cày đêm, làm thuê cho các Cty công nghệ thông tin của Mỹ.
Cô gái người Việt còn nung nấu khát vọng được đi trên con đường tơ lụa từ Bangladesh qua Ấn Độ, Pakistan, Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ. “Còn vô vàn khó khăn nên em không nói trước được điều gì, chỉ biết cứ đi rồi sẽ đến”, Huyền bộc bạch. Châu Mỹ, châu Âu... cũng nằm trong lộ trình độc hành của Huyền.
Làm thuê xuyên lục địa
Một mình thân gái đến Trung Đông quả là liều, nhưng Huyền lý giải đổi lại em sẽ biết được nhiều điều bí ẩn. Người ta nói đến Trung Đông với chiến tranh, xung đột…, nhưng Huyền muốn tìm những nét đẹp tiềm ẩn. Em cũng quyết tâm đến được Ai Cập, sông Nin, cưỡi lạc đà và ngắm Kim Tự Tháp.
Độc hành vòng quanh thế giới, nhưng ví tiền mỏng, Huyền cố gắng kiếm tiền trên đường đi để kế hoạch không bị chết yểu vì hết tiền. Những công việc mà mình có thể làm được, Huyền đã viết trên blog (http://travel.huyenchip.com/), facebook Travel and Write (Du lịch và viết) hy vọng sẽ được cộng đồng mạng trên toàn thế giới giúp bạn tìm việc làm tạm thời trên đường đi.
Huyền nói rõ khả năng của mình như viết bài tiếng Anh, tiếng Việt về chủ đề công nghệ, văn hóa, xã hội, giới trẻ, du lịch. Biên dịch, dạy tiếng Anh- Việt, Tây Ban Nha, hướng dẫn sử dụng các công cụ social media (truyền thông xã hội), phục vụ bàn… Cô gái tuổi 20 còn quyết tâm học thêm ít nhất vài ngoại ngữ trong suốt cuộc hành trình.
Hành tinh cô đơn
Lonely Planet (Hành tinh cô đơn) là cuốn cẩm nang du lịch bụi nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, thông tin lại chủ yếu dành cho người Mỹ, châu Âu và các nước phát triển; nhiều khi không áp dụng được cho người Việt.
Huyền chia sẻ: Khi lên kế hoạch cho chuyến đi, thực sự em phải vật lộn để tìm kiếm thông tin, từ chuyện xin visa thế nào, xin ở đâu, thủ tục cho người Việt Nam là gì, quan hệ giữa nước đó với Việt Nam, liệu người Việt sang đó dễ bị ghét hay có nguy cơ bị bắt cóc không, văn hóa của họ so với người Việt Nam có gì khác biệt...
Huyền nghĩ tại sao không làm một cái gì đó như xây dựng cổng thông tin và viết cuốn Lonely Planet cho người Việt? Sự khác biệt ở chỗ, Lonely Planet là cẩm nang cho người nước ngoài khi đến nước khác, còn cuốn sách của Huyền sẽ cung cấp thông tin cơ bản và chi tiết về các vùng đất trên thế giới chỉ dành cho người Việt xuất ngoại.
Ý tưởng viết một cuốn sách du lịch ra đời với tên gọi tạm thời Du lịch bụi từ A đến Z sau khi trở về. Mọi kinh nghiệm đi lại từ việc mua vé giá rẻ, chọn nơi ở, ăn uống, xe bus, nơi dừng chân, nơi có thể tìm sự giúp đỡ, thủ thuật xin visa… sẽ được Huyền ghi lại trong cuốn sách. Huyền tiết lộ đã có không ít nhà xuất bản sẵn sàng bảo trợ cho cuốn sách, nhưng cô vẫn chưa muốn ký hợp đồng vì mọi việc mới chỉ bắt đầu.
Huyền cho rằng bạn trẻ Việt Nam ít đi du lịch bụi không hẳn do không có tiền. Lý do chính là các bạn trẻ không biết cách đi, hoặc đơn giản không dám đi. Nhiều bạn không phân biệt được hộ chiếu, visa với giấy thông hành, không biết đến hàng không giá rẻ.
Thông tin du lịch bụi cho người Việt còn quá ít, hầu hết là truyền miệng, trên vài diễn đàn như www.phuot.com hay www.ttvnol.com. Huyền muốn đi và viết, hy vọng những thông tin thu được phần nào giúp ích cho các bạn trẻ Việt Nam có khát khao nhìn ra thế giới.