Cô gái khuyến tật mở cửa hàng online lấy tiền mua sách
Cô gái đó là Trần Thúy Nga, sinh năm 1985, tại một vùng quê nghèo thuộc xã Nghĩa Ðồng, huyện miền núi Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An). Nhà nghèo, ba mẹ và anh chị phải đi làm thuê kiếm sống nên ngay từ nhỏ, Thúy Nga cố gắng học thật giỏi để sau này phụ giúp gia đình. Thế nhưng năm Nga 13 tuổi, tai họa ập xuống...
Thúy Nga nhớ lại: “Vào một ngày mùa hè năm 1998, căn bệnh viêm đa khớp bất ngờ ập xuống đời tôi. Bác sĩ bảo bệnh của tôi không thể chữa trị dứt điểm mà phải sống chung với nó. Căn bệnh khủng khiếp tàn phá từng khớp xương và tôi chỉ còn cử động được mấy ngón tay. Mọi thứ như sụp đổ trước mắt tôi! Bao ước mơ, dự định, bao yêu thương với người thân tôi muốn đền đáp đành dừng lại”.
Thế rồi trong những ngày tháng đầy bế tắc đó, Thúy Nga đã tìm đến sách để làm bạn. Từ những trang sách về các tấm gương nghị lực, Thúy Nga đã tìm được sự sẻ chia cùng dịch giả Nguyễn Bích Lan trong Không gục ngã, Nguyễn Ngọc Ký với Tôi đi học, Tâm “sida” với Vượt lên cái chết, Nick Vujicic với Không gục ngã....
Rồi có một số người đến hỏi mượn sách của Thúy Nga để đọc, trong cô chợt nảy ra ý tưởng mở một thư viện miễn phí dành cho mọi người.
Năm 2004, thư viện của Thúy Nga ra đời, ban đầu chỉ vài chục cuốn sách. Để có tiền mua sách, Thúy Nga đã mở một cửa hàng online. Được bao nhiêu tiền, cô lại đổ vào sách nên số đầu sách tăng dần mỗi ngày. Cô đích thân đi chọn mua từng quyển sách.
Thúy Nga cho biết, khi mua sách cô chọn lựa được những cuốn hay. Khi cho mượn sách, cô luôn mong người đọc cảm nhận được điều hay và sau đó giới thiệu cho người khác.
“Theo tôi, khi đã gieo duyên đọc sách miễn phí thì phải là sách chọn lựa kỹ, sách hay và ý nghĩa thì mới đủ thuyết phục và khuyến khích được nhiều người đọc. Ngoài ra, do tự mua nên tôi luôn mua sách. Tôi muốn ủng hộ sách thật, để tác giả và những người làm sách chân chính có thêm tài chính và động lực làm sách thật. Làm từ thiện mà còn dùng sách giả thì còn có ý nghĩa gì nữa”, Thúy Nga nói.
Đến nay, thư viện của Thúy Nga đã có trên 4 ngàn cuốn sách, được chia thành nhiều chuyên mục như sách dạy kỹ năng sống, sách kỹ thuật, sách văn học, sách thiếu nhi.... Hằng ngày luôn có hàng trăm người tới mượn sách, từ những cô cậu học sinh cho tới giáo viên, những người làm quản lý và thậm chí cả những người lao động.
Sứ mệnh mà Thúy Nga tự nhận là “Gieo duyên đọc sách - lan tỏa yêu thương” suốt 16 năm qua đã và đang ươm trái ngọt. Nhiều người từng đọc sách từ thư viện của Thúy Nga nay đã thành công, trở thành những người có ích cho xã hội.
Thúy Nga tâm sự: “Tôi đã học hỏi được bao điều ý nghĩa từ các trang sách quý. Tôi đã biết nhìn vào điều tích cực nhất để có niềm tin vào những điều tốt đẹp vẫn tồn tại, để thấy cuộc sống này đáng sống, giá trị bản thân mình vẫn xứng đáng để sống và lan tỏa”...
H’ Soát nấu cơm cho các em khi bố mẹ đi vắng Ảnh: H.T
Cô học trò nghèo đi xe cũ nhường xe đạp mới cho bạn
H’Soát Niê Kdăm (học sinh lớp 8A3) vừa có hành động đẹp khi nhường lại xe đạp được tặng cho bạn cùng lớp.
Thầy Nguyễn Văn Thương, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tô Vĩnh Diện (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) cho biết, H’Soát Niê Kdăm (học sinh lớp 8A3) vừa có hành động đẹp khi nhường lại xe đạp được tặng cho bạn cùng lớp.
Đầu năm học mới, H’ Soát là 1 trong 15 học sinh được nhà tài trợ trao tặng xe đạp vì thuộc diện học sinh vượt khó học giỏi. Nhà H’ Soát cách trường gần 7 km, tuy nhiên em đã chủ động nhường lại phần quà trên cho bạn cùng lớp với lý do vẫn còn chiếc xe đạp cũ gia đình mua cho từ khi em học lớp 6, trong khi nhiều bạn trong lớp còn khó khăn, không có xe đi học.